Vai trò cân bằng của Hàn Quốc để Mỹ và Triều Tiên không đi chệch bước

Hàn Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kết nối để giữ Triều Tiên không chệch bước khỏi con đường phi hạt nhân hóa và xóa tan sự nghi ngờ của Mỹ về tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Vai trò cân bằng của Hàn Quốc để Mỹ và Triều Tiên không đi chệch bước ảnh 1Một màn hình lớn có hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AP)

Các nhà phân tích ở Seoul cho rằng Hàn Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kết nối để giữ Triều Tiên không chệch bước khỏi con đường phi hạt nhân hóa và xóa tan sự nghi ngờ của Mỹ về tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, đoàn phái viên của Tổng thống Hàn Quốc do Cố vấn an ninh hàng đầu Chung Eui-yong dẫn đầu đã “ấn định” cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 18-20/9 trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hôm 5/9 vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh này sẽ diễn ra ngay trước cuộc gặp có thể được tiến hành giữa Tổng thống Moon Jae-in với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, một “bài kiểm tra” nữa vai trò trung gian của người đứng đầu Nhà Xanh giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Các cuộc gặp thượng đỉnh được sắp xếp trong bối cảnh có những e ngại rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể đổ vỡ do giữa hai nước này ngày càng thiếu lòng tin và bất đồng về trình tự của tiến trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn,” điều mà các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Sáu ở Singapore.

Giáo sư về an ninh Nam Chang-hee, hiện đang làm việc tại Đại học Inha, bình luận: “Seoul luôn cố gắng phá vỡ thế bế tắc (trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng) dựa trên mức độ tin tưởng mà Hàn Quốc đã xây dựng được với cả hai nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghị sỹ Mỹ có tư tưởng hiếu chiến tỏ ra nghi ngờ về tốc độ phi hạt nhân hóa chậm chạp và sự uể oải của Triều Tiên, Seoul có thể cần tìm ra cách thức duy trì mức độ tin tưởng đó với Washington để giữ ổn định mối quan hệ giữa Mỹ và hai miền Triều Tiên."

Sự hoài nghi của Mỹ rõ ràng đã lớn hơn trong bối cảnh Seoul đẩy mạnh nỗ lực tăng cường giao lưu và hợp tác liên Triều bất chấp việc không có bất kỳ tiến triển hữu hình nào trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Seoul đã liên tục thúc đẩy kế hoạch mở văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố vùng biên Kaesong của Triều Tiên mặc dù có những mối lo ngại rằng kế hoạch đó có thể vi phạm các lệnh cấm vận của quốc tế cấm cung cấp năng lượng và các vật phẩm khác cần thiết cho sự hoạt động của văn phòng này.

Washington đã nhiều lần tuyên bố rằng tiến triển trong quan hệ liên Triều phải đi cùng với tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa - những tuyên bố rõ ràng cho thấy sự không yên lòng trước tiến độ nhanh chóng tăng cường các quan hệ liên Triều.

Nỗ lực của Seoul thôi thúc sự hợp tác liên Triều lớn hơn diễn ra trong khi ngày càng có nhiều nỗi thất vọng ở Washington trước sự thiếu tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, điều mà Tổng thống Trump nêu là lý do dẫn tới quyết định hủy chuyến thăm theo kế hoạch tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Sự oán giận rõ ràng của Washington cũng được thể hiện khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ có thể tiếp tục các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn đã bị đình chỉ như một cử chỉ thiện chí để thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

[Đâu là chìa khóa đàm phán thành công của Mỹ với Triều Tiên?]

Một trở ngại lớn đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa là sự kiên quyết của Bình Nhưỡng rằng Washington phải đồng ý ký tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Các nhà quan sát ở Seoul và Washington bấy lâu nay nghi ngờ Bình Nhưỡng đòi có tuyên bố hòa bình vì nó có thể giúp đảm bảo an ninh cho chế độ ở Triều Tiên và làm suy yếu lý do đồn trú quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Đoàn phái viên của Tổng thống Moon Jae-in dường như đã cố gắng xóa đi mối lo ngại này trong chuyến thăm Triều Tiên vừa qua.

Cố vấn an ninh của ông Moon phát biểu với các phóng viên: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói với chúng tôi rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh không liên quan gì tới việc làm suy yếu liên minh Hàn-Mỹ hay việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc."

Trong khi không chấp nhận lời kêu gọi kết thúc chiến tranh, Mỹ đòi Triều Tiên phải có những bước đi phi hạt nhân hóa “hữu hình,” như khai báo đầy đủ số tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ ưu tiên của Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Kim Jong-un sẽ là giúp xóa bỏ mối lo ngại của Washington về chuyện tuyên bố kết thúc chiến tranh và đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ có những bước đi có ý nghĩa để báo hiệu ý định phi hạt nhân hóa của mình.

Giáo sư Nam Chang-hee nói tiếp: “Tuyên bố kết thúc chiến tranh cuối cùng sẽ dẫn tới hòa bình trên bán đảo, điều mà Mỹ có thể cho là một phần của nỗ lực đẩy quân Mỹ ra khỏi khu vực - một trong những nhiệm vụ chiến lược mà Trung Quốc có thể đang nhắm tới. Mối lo ngại này nên được giải quyết để giúp Mỹ có một lập trường linh hoạt hơn về việc ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh và giúp Triều Tiên thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa cụ thể."

Triều Tiên đã thực hiện những việc mà nước này gọi là các bước đi trước Mỹ, như đóng cửa cơ sở thử hạt nhân quan trọng và cơ sở thử động cơ tên lửa tầm xa. Song những bước đi này bị đặt dấu hỏi do không có các biện pháp cho bên ngoài kiểm chứng.

Nhân tố làm phức tạp thêm thách thức phi hạt nhân hóa Triều Tiên là Trung Quốc, nước mà những người chỉ trích cho là đã tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên theo cách làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế. Trump đã chỉ ra điều này một vài dịp gần đây.

Ông Trump nhận định: “Tôi nghĩ một phần vấn đề Triều Tiên gây ra bởi các tranh chấp thương mại của chúng tôi với Trung Quốc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục