Vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng nâng cao

Cử tri nhận xét vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, đồng thời thể hiện tính dân chủ, công khai trong Quốc hội.
Ngày 17/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Tại Tuyên Quang, cử tri Nguyễn Hồng Quân, tổ 10, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang rất vui mừng vì vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, đặc biệt, trước khi tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo cụ thể về tình hình giải quyết kiến nghị cử tri giữa hai kỳ họp, thể hiện được tính dân chủ, công khai trong Quốc hội.

Trong phiên chất vấn chiều 17/11, các đại biểu chất vấn đúng những bức xúc hiện nay. Cử tri Nguyễn Hồng Quân cho rằng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nên trả lời rõ ràng hơn nữa về các vấn đề đại biểu nêu ra.

Cử tri Nguyễn Hoài Nam, xóm 8, xã Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang nói, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, di động đang là một trong những phương tiện liên lạc không thể thiếu đối với mỗi người.

Tuy nhiên, tình trạng thuê bao ảo, tin nhắn rác đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Về vấn đề này, bộ trưởng đã mạnh dạn nhận khuyết điểm rằng còn nhiều lúng túng trong việc quản lý các thuê bao trả trước.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa trong việc quản lý các thuê bảo trả trước, ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác để không ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Tại Bình Dương, ông Lê Dũng, 69 tuổi, nguyên cán bộ ngành in về hưu ngụ số 15/9 Cách Mạng Tháng 8 phường Phú Thọ, thị xã thủ Dầu Một cho rằng, các Bộ trưởng trả lời chất vấn cũng như các đại biểu Quốc hội chất vấn có chất lượng hơn, đã tập trung vào các vấn đề chủ yếu, không tràn lan như trước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ liên quan như Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trả lời bổ sung làm cho vấn đề chất vấn được trả lời rõ ràng hơn...

Các đại biểu chất vấn đã "truy" tận gốc khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chưa rõ những ý kiến của các đại biểu Nguyễn Thị Phước Khánh, Nguyễn Thanh Tâm, Đặng Như Lợi, Phan Xuân Thường.

Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trả lời còn có câu chưa thấu đáo. Ngược lại cũng có đại biểu Quốc hội hỏi chung chung, không đúng trọng tâm trách nhiệm của Bộ như "tư tưởng xã hội hiện đang xuống cấp thì trách nhiệm của Bộ thế nào?".

Ông Dũng cũng tin tưởng việc chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp Quốc hội ngày càng chất lượng hơn và đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh (trú tại số 9, Nguyễn Thành Ý, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng bức tranh thực tế về công tác quản lý báo chí ở Việt Nam hiện nay toát lên hai mặt đáng chú ý là pháp luật trong lĩnh vực báo chí chưa rõ ràng và việc thi hành pháp luật chưa nghiêm và thiếu sự kiên quyết.

Không đồng tình với “lời kêu gọi” của Bộ trưởng rằng các Tổng biên tập cùng tham gia trong việc xử phạt các sai phạm, vi phạm của các nhà báo tại các cơ quan báo chí, luật sư Phan Đăng Thanh cho rằng đây là điều không khả thi và không đúng luật.

Theo ông Thanh, Luật Báo chí đã có quy định khi xảy ra sai phạm, vi phạm trên tác phẩm báo chí do thông tin sai sự thật, không đúng sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, cơ quan thì không chỉ tác giả - cá nhân nhà báo chịu trách nhiệm mà cơ quan báo chí đó cũng phải đồng chung trách nhiệm, theo đó Tổng biên tập là người đứng đầu, đại diện của cơ quan báo chí đó cũng phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Phan Đăng Thanh cũng cho rằng việc xử lý các sai phạm trên lĩnh vực báo chí như thời gian vừa qua còn chậm và chưa đầy đủ là do Bộ Thông tin và Truyền thông còn quá “ôm đồm”, trong khi có thể phân cấp, phân quyền việc xử phạt các vi phạm hành chính cho địa phương, cụ thể là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thông qua cơ quan tham mưu là Sở Thông tin - Truyền thông.

Liên quan đến lĩnh vực internet, chị Lê Thị Phượng Diễm (nhân viên Công ty Du lịch Đông Dương),cử tri phường 2, quận 11 rất tán thành về nhận xét của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khi đã đánh giá đúng cả hai mặt của internet, trong đó có những lợi ích và tác động tích cực mà các trang thông tin điện tử và blog mang lại cho người dân.

Là một người trẻ cũng đang sử dụng các tiện ích mà internet mang lại, chị Phượng Diễm cho rằng đối với những trang web “đen”, trang web cung cấp thông tin xấu, các diễn đàn, blog được lập ra với dụng ý chống đối chính quyền hoặc gây mất uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, Bộ cần có biện pháp xử lý triệt để và nghiêm khắc hơn.

“Cần có sự phối hợp chặt chẽ và linh hoạt hơn giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an trong việc quản lý, xử lý các web độc hại, trò chơi đánh bạc trực tuyến và game online, chứ như hiện nay là còn khá lúng túng”.

Tại Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Hữu Đạt, cán bộ Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tâm đắc với những câu hỏi mà các đại biểu đã đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng. Tuy không phải là vấn đề mới, nhưng cách đặt vấn đề của các đại biểu rất sâu sắc và sát với thực tế đang diễn ra.

Ông Nguyễn Hữu Đạt tâm đắc với việc bằng số liệu cụ thể và qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng, bộ trưởng khẳng định những trạm đã qua kiểm tra kỹ thuật một cách chặt chẽ thì không hề ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những người xung quanh; còn đối với những trạm chưa đạt yêu cầu thì phải được khắc phục mới cho hoạt động. Trả lời như thế, cử tri sẽ yên tâm.

Một điều cử tri tâm đắc nữa là lời phát biểu có tính chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, về việc làm thế nào để người dân vẫn sử dụng hệ thống internet một cách có hiệu quả nhất trong cuộc sống, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực từ internet.

Các ngành chức năng phải suy nghĩ về vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu lên này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục