VAMC sẽ mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I

Mục tiêu của VAMC trong quý I/2014 là mua 10.000 tỷ nợ xấu và dự kiến trong năm nay.
VAMC sẽ mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết mục tiêu của VAMC trong quý I/2014 là mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu.

Đó là thông tin được đưa ra buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 28/2, tại Hà Nội.

Sẽ có Ủy ban xử lý và cơ cấu nợ

Theo ông Hùng, sắp tới VAMC sẽ thành lập Ủy ban xử lý và cơ cấu nợ nhằm tiếp tục phân loại đánh giá các khoản nợ xấu để xử lý, đưa về mức lãi suất hấp dẫn nhất. Đây được coi là một động thái cụ thể đẩy nhanh tiến độ mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa hệ thống.

Thống kê cho thấy, từ tháng 10/2013 đến 31/12/2013, VAMC đã mua gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu với số trái phiếu đặc biệt trị giá 31.000 tỷ đồng của 35/36 tổ chức tín dụng và đã thu hồi được khoảng 200 tỷ đồng. Hiện các tổ chức tín dụng trên đã gửi hồ sơ đề nghị VAMC mua thêm nợ xấu.

Cũng tại buổi họp báo, Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, hiện có một số ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt này nhưng hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành đánh giá rà soát và xem xét để quyết định tỷ lệ chiết khấu nên chưa ngân hàng nào được cho vay tái cấp vốn từ việc chiết khấu trái phiếu đặc biệt.

Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của mình, VAMC vẫn tiếp tục phân loại đánh giá các khoản nợ xấu, xử lý bằng 3 cách: Đưa về mức lãi suất hợp lý nhất cho doanh nghiệp, cùng các tổ chức tín dụng tái cấu trúc doanh nghiệp vay vốn, trả nợ mới và một phần nợ cũ.

Vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay

Bà Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất trước và sau Tết Nguyên đán đều ổn định, không có dấu hiệu đua lãi suất như những năm trước. Tổng cộng số liệu của các ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động tháng 2 vừa qua đã giảm thêm 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất huy động kỳ hạn dài hơn khá ổn định.

“Đây là dấu hiệu tích cực cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn của mình,” bà Hồng nhận định.

Trước tình hình này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, trần lãi suất huy động trên thực tế không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất. Điều này cho thấy, bản thân các tổ chức tín dụng đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng tùy thuộc cung cầu vốn trên thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nên bỏ trần lãi suất huy động hay không, bà Hồng cho rằng: "Khi thanh khoản hệ thống ngân hàng vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ trần lãi suất huy động."

Đối với lãi suất cho vay, theo bà Hồng, vấn đến này phụ thuộc vào giá huy động đầu vào, thanh khoản, chiến lược kinh doanh và kế hoạch lợi nhuận của từng ngân hàng nên ngân hàng nào có điều kiện thuận lợi về tài chính sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, với cơ sở lạm phát đang giảm rất mạnh và đà phục hồi của nền kinh tế, nhất là việc lãi suất cho vay của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước trong gói tín dụng nhà ở đã giảm xuống còn 5,5%. Các ngân hàng thương mại có thể đón đầu xu hướng lạm phát giảm để giảm lãi suất thêm trong thời gian tới.

Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ đầu tuần này, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Eximbank, VIB, TPBank... đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất khá hấp dẫn, đặc biệt đối với các khách hàng tốt, tiềm năng để bù đắp cho phần tín dụng âm của hai tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 20/2/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66%; trong đó tín dụng tiền đồng giảm tới 1,94%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,11%.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, đây được xem là điều bình thường vào dịp này và phù hợp với quy luật của những năm gần đây là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88%; 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục