Vẫn còn gần một tỷ người thiếu đói trên toàn cầu

Tổ chức FAO cho biết tình trạng thiếu đói trên thế giới vẫn ở mức cao, với 925 triệu người bị thiếu đói trong năm 2010 này.
Ngày 14/9, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết nhờ kinh tế tăng trưởng trở lại, số người đói trên toàn cầu trong năm 2010 đã giảm xuống còn 925 triệu người so với 1,02 tỷ người của năm 2009.

Tuy nhiên, FAO và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho rằng tình trạng thiếu đói này vẫn là mức cao “không thể chấp nhận được.”

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf cho biết với việc mỗi 6 giây có một trẻ em tử vong do các vấn đề liên quan đến việc thiếu ăn, nạn đói vẫn là bi kịch và là bê bối lớn nhất của thế giới.

Ông Diouf cũng cảnh báo nạn thiếu ăn trên toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức cao sẽ cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Bên cạnh đó, việc giá lương thực tăng gần đây nếu tiếp tục tồn tại cũng sẽ cản trở các nỗ lực hạn chế số người bị đói trên thế giới.

Giám đốc WFP Josette Sheeran lại cho rằng: "Hành động quyết liệt và nhanh chóng của các quốc gia và của thế giới đã giúp hạn chế số người thiếu ăn tăng lên. Tuy nhiên, nhân loại vẫn phải tiếp tục đấu tranh chống đói nghèo để đảm bảo sự ổn định và bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm.”

Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về lương thực năm 1996, các bên lần đầu tiên đưa ra mục tiêu giảm số người đói ăn từ 800 triệu người từ năm 1990 đến năm 1992, xuống 400 triệu người vào năm 2015.

Tiếp đó, mục tiêu đầu tiên trong tám MDG của Liên hợp quốc là giảm tỷ lệ đói nghèo trên thế giới từ mức 20% xuống 10% dân số thế giới vào năm 2015.

Theo FAO và WFP, dù số người thiếu ăn trong năm 2010 đã giảm được 10% so với năm 2009, nhưng vẫn còn 925 triệu người, chiếm 16% dân số thế giới ở trong tình trạng này. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, trong năm năm tới phải tiếp tục giúp khoảng 500 triệu người, tức 6% dân số thế giới, thoát khỏi diện thiếu ăn.

Theo FAO, việc số người thiếu ăn tiếp tục tăng trong thời gian kinh tế tăng trưởng tốt và giá lương thực tương đối thấp cho thấy thiếu đói là vấn đề có tính hệ thống.

Tăng trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng chỉ tăng trưởng kinh tế sẽ không giải quyết được vấn đề đói nghèo. Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo thành công đã có ở một số nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, nên các nước cần phải học tập và phát triển những kinh nghiệm này.

Dự kiến trong tháng tới, FAO và WFP sẽ đưa ra bản báo cáo chung về tình hình mất an ninh lương thực của thế giới trong đó cho biết có đến 2/3 số người thiếu ăn sống ở bảy quốc gia là Bangladesh, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Conggo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia và Pakistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục