Vẫn còn hy vọng cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Mức áp thuế mới mà Trung Quốc đưa ra đối với các mặt hàng của Mỹ cũng sẽ có hiệu lực từ 1/6/2019, do vậy vẫn còn hy vọng để hai bên ngồi lại đàm phán với nhau.
Vẫn còn hy vọng cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1Container hàng hóa chờ được xếp dỡ tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ, ngày 14/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tờ The Economist mới đây đăng bài bình luận về sự gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong đó cho biết mặc dù Trung Quốc thường xuất siêu sang Mỹ, nhưng trong năm qua, tình hình đã đảo ngược, Trung Quốc đã nhập siêu đối với thị trường Mỹ.

Tuần trước, những nhà đàm phán Mỹ đã buộc tội Trung Quốc không giữ lời hứa đối với dự thảo thỏa thuận vốn gần hoàn tất. Các quan chức Trung Quốc thì nói đó là do người Mỹ đã đưa ra những yêu cầu vô lý.

Đàm phán bị đổ vỡ dẫn đến quyết định của Mỹ đưa ra ngày 10/5 nâng mức áp thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ phụ tùng ôtô cho đến các bảng dẫn điện…

Ngày 13/5, Tổng thống Trump đã cảnh báo trên Twitter là Trung Quốc không nên trả đũa Mỹ, vì điều này sẽ chỉ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Chỉ một giờ ngay sau đấy, Trung Quốc đã quyết định tăng thuế với tổng trị giá 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có khí đốt.

[Điều gì khiến Mỹ cần phải bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng?]

Thực tế, tình hình còn tồi tệ hơn nữa khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đã ngay lập tức bắt đầu tiến trình áp thuế lên "gần như tất cả" các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi tất cả những tuyên bố trên được áp dụng thì có khoảng 560 tỷ USD hàng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế 25%, và khoảng 180 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc cũng sẽ chịu mức thuế tương tự.

Nhiều nhà kinh tế học ước tính rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể bị giảm 0,5%, xuống còn 6%. Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà kinh tế học tại ngân hàng Société Générale của Pháp, người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu phải đối mặt với sự tăng giá các mặt hàng nhập khẩu thị trường, từ đó kéo theo lạm phát có thể tăng thêm 0,5%.

Nếu như ông Trump tiếp tục hiện thực hóa lời đe dọa là sẽ đánh thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì hậu quả thiệt hại sẽ còn trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu Chad Bown và Eva Zhang thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington DC cho rằng mức thuế mà Mỹ áp lên Trung Quốc giống như mức thuế Smoot-Hawley năm 1930, mức áp dụng trước khi xảy ra cuộc đại suy thoái kinh tế tại Mỹ. Đến mức này thì Trung Quốc cũng sẽ phải bắt đầu nghĩ cách để gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.

Một biện pháp khả thi là truyền thông nhà nước sẽ kêu gọi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Mỹ, và khi đó tiếng chuông báo động sẽ xuất hiện trên các thị trường toàn cầu khi mà hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới bước vào cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với nhau.

Tuy nhiên, the Economist cho rằng hiện giờ chúng ta vẫn có thể hy vọng là cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có những bước lùi, cùng xuống thang trong cuộc chiến này.

Đã có sự hồi phục trở lại của các cổ phiếu sau ngày bán tháo cổ phiếu diễn ra hôm 13/5 sau các tuyên bố "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, và điều này phản ánh sự lạc quan rằng hai bên sẽ bình tĩnh suy xét lại.

Hầu hết các đe dọa áp mức thuế mới của hai bên vừa qua đều chưa có hiệu lực. Mức áp thuế 25% của Mỹ chỉ áp dụng cho những hàng hóa rời Trung Quốc sau ngày Mỹ công bố.

Thường thì các tàu chở hàng sẽ mất khoảng 3 tuần để đi từ Mỹ sang Trung Quốc và ngược lại, do vậy phải đến tháng 6 thì hai bên mới có thể bắt đầu phải hứng chịu những đòn đau mà đối phương đưa ra.

Mức áp thuế mới mà Trung Quốc đưa ra đối với các mặt hàng của Mỹ cũng sẽ có hiệu lực từ 1/6/2019, do vậy vẫn còn hy vọng để hai bên ngồi lại đàm phán với nhau. Trong những tuyên bố chính thức của mình, thông điệp nhất quán của Trung Quốc là họ sẽ không chịu để bị bắt nạt, nhưng họ vẫn muốn tiến tới một thỏa thuận với Mỹ.

Ông Trump cũng đã thể hiện sự sẵn sàng nối lại đàm phán với Trung Quốc khi nói rằng ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra cuối tháng 6/2019 tại Nhật Bản.

Trước đó tại thượng đỉnh G-20 hồi tháng 11/2018 diễn ra tại Argentina, hai bên cũng đã nhất trí tạm dừng cuộc chiến thương mại. Do vậy, có lý do để hy vọng điều này sẽ lặp lại, nhưng nếu xét trên những gì đang diễn hiện nay ra giữa hai nước, quả thật khó có thể lạc quan về triển vọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục