Vấn đề Brexit: Chính phủ Anh khẳng định sẽ tuân thủ luật về Brexit

Anh đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn. Tuy nhiên, điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi.
Trong ảnh: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ ngày 23/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ ngày 23/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/9, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Alok Sharma khẳng định chính phủ nước này sẽ tuân thủ luật Brexit, đồng thời bày tỏ “lạc quan một cách thận trọng” rằng London sẽ đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) trước ngày 31/10 tới.

Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết rằng nước Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 dù có hay không có thỏa thuận “ly hôn," song Quốc hội Anh đã thông qua một đạo luật bắt buộc ông phải tìm cách gia hạn nếu ông không đạt được một thỏa thuận vào ngày 19/10.

Phát biểu trên đài BBC, ông Sharma nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tuyệt đối tuân thủ luật. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận, song chúng tôi sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10."

Thủ tướng Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn. Tuy nhiên, điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, "Brexit cứng" sẽ khiến Anh không được hưởng quy chế giành cho các nước thành viên EU và điều đó đồng nghĩa với việc hoạt động giao thương và đi lại giữa Anh với các nước trong khu vực sẽ phải tuân thủ quy định về thuế quan và kiểm tra hải quan thông thường.

[EC: Anh sẽ phải chịu trách nhiệm nếu diễn ra Brexit không thỏa thuận]

Điều này ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội cũng như ngành dược phẩm của Anh khi mỗi tháng London nhập khẩu 37 triệu hộp thuốc các loại từ các nước thành viên EU.

Kịch bản xấu nhất được dự báo là lượng hàng hóa lưu thông giữa Anh và EU có thể giảm từ 40 đến 60% trong một ngày thời kỳ hậu Brexit.

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh đã yêu cầu các nhà cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế đẩy mạnh việc tích trữ các loại dược phẩm thiết yếu và đồ dùng cần thiết, cũng như bổ sung các kho lưu trữ hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục