Vấn đề Brexit: Nước Anh cần một chính trường mới

Đã đến lúc các chính trị gia Anh cần thay đổi. Chỉ có người Anh mới có thể đưa chính trường của họ từ thói quen đẩy mâu thuẫn lên cao trào tới mức “một mất một còn” sang hình thái xây dựng tích cực.
Vấn đề Brexit: Nước Anh cần một chính trường mới ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, phong trào dân túy đang lên tại Mỹ và Anh đã đi đến những bước ngoặt quan trọng.

Khởi đầu năm thứ ba cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người tạo ra “nguyên nhân chính” dẫn đến giai đoạn một phần chính phủ phải tạm dừng hoạt động kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tự đẩy mình vào chân tường, giờ nhà lãnh đạo Mỹ chỉ còn trông chờ vào việc có thể cùng các nghị sỹ Dân chủ tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng do chính ông tạo ra.

Tương tự như vậy, Thủ tướng Anh Theresa May, sau khi không thể có được sự ủng hộ của Quốc hội với thỏa thuận Brexit mà bà đã nhất trí với giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), đang chật vật thúc đẩy các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập và cả những thành viên ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ và đảng Liên hiệp Dân chủ Bắc Ireland (DUP).

Các nhà ngoại giao và chính trị gia tại Brussels nhìn nhận thất bại mới của Thủ tướng May là điều đặc biệt đáng tiếc. Xét cho cùng, thỏa thuận bị nghị viện Anh bác bỏ không chỉ là “thỏa thuận của bà May” mà còn là “thỏa thuận của EU,” điều mà nhiều nghị sỹ Anh dường như đã phớt lờ.

Với “những giới hạn đỏ” mà Thủ tướng May đặt ra trong việc hạn chế tình trạng nhập cư và rút Anh khỏi sự ràng buộc của Tòa án Công lý châu Âu, thỏa thuận mà bà đạt được với EU có thể xem là một sự cân bằng đáng kể.

[Anh cân nhắc khả năng hoãn Brexit để thông qua các đạo luật cần thiết]

Với những nghĩa vụ tài chính và bảo đảm dành cho cả các công dân EU và Anh đang mắc kẹt trong mớ bòng bong Brexit, thỏa thuận này được kỳ vọng là sẽ giúp đưa Anh rời khỏi EU một cách suôn sẻ nhất có thể.

Hơn thế nữa, tuyên bố chính trị đi kèm thỏa thuận ly hôn có thể tạo dựng nền tảng cho mối quan hệ gần gũi và bền vững trong tương lai giữa Anh và EU. Cả hai bên đều đã cam kết đàm phán những dàn xếp thời hậu Brexit một cách nhanh chóng, đồng nghĩa với việc nội dung gây tranh cãi về “chốt chặn cuối tại Ireland” - một yếu tố cần thiết để bảo toàn Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành và hòa bình tại Bắc Ireland - có thể sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng.

Những nghị sỹ Bảo thủ và Công đảng muốn “Ở lại” từng phàn nàn rằng tuyên bố chính trị nói trên không đủ mạnh mẽ và cụ thể, trong khi những người ủng hộ Brexit lại nói điều ngược lại.

EU đã nhấn mạnh ngay từ ban đầu rằng hiệp ước ly hôn phải được hoàn tất trước khi hai bên đàm phán chi tiết về mối quan hệ trong tương lai. Và lập trường này vẫn được duy trì bất chấp áp lực lớn đến thế nào.

Thực tế người ta vẫn còn cơ hội để thay đổi khung thỏa thuận được nhắc đến trong tuyên bố chính trị trong vài tuần tới. Andrew Duff, một thành viên đảng Dân chủ Tự do, cựu thành viên Nghị viện châu Âu, ủng hộ việc Anh ở lại EU, cho rằng việc Anh khái niệm hóa nội dung về đi lại tự do hoặc tư cách thành viên liên minh hải quan có thể giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay tại Quốc hội nước này.

Tuy nhiên, việc các chính trị gia Anh có thể đạt được một thỏa thuận đa đảng về vấn đề Brexit hay không vẫn là điều không ai có thể khẳng định.

Giải pháp có sự hậu thuẫn của các chính đảng không chỉ phụ thuộc vào lập trường của đảng Bảo thủ hay Công đảng đối lập và nếu các bên có quyết tâm, họ hoàn toàn có thể tìm cách đặt lợi ích quốc gia lên trên những lo ngại hẹp hòi của mình.

Cách tiếp cận đa đảng tất nhiên là khá quen thuộc với giới chính trị gia châu Âu. Luật pháp và các quy định trong EU thường được hoàn tất sau các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng giữa các nghị sỹ và các bộ trưởng.

Việc chuyển hướng sang tiến trình “cùng ra quyết định” theo kiểu châu Âu có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận Anh, cũng như các nhà đàm phán Brexit châu Âu.

Những lãnh đạo chính trị tại Anh với mong muốn thống nhất đất nước bị chia rẽ nghiêm trọng cần là những người tiên phong cho xu hướng này.

EU không phải là không thể linh hoạt, song điều mà họ không dung thứ là việc các chính trị gia Anh - kể cả Công đảng hay Bảo thủ - luôn tìm cách đổ lỗi cho giới lập pháp châu Âu về những mâu thuẫn chính trị trong nước.

Trong bối cảnh này, yêu cầu kéo dài thời hạn đàm phán Brexit của Anh có thể được nhìn nhận là một mong muốn chân thành và được chấp nhận nếu thực sự người ta cần thời gian để giải quyết những vấn đề thực tế.

Tuy nhiên, thời gian này khó có thể kéo dài tới quá ngày 2/7/2019 khi Nghị viện châu Âu khóa mới được triệu tập sau cuộc bầu cử trước đó vào tháng 5.

Làn sóng dân túy tại Hungary, Ba Lan và nhiều khu vực khác, với mục tiêu phản đối các giá trị nền tảng của EU, khiến giới chính trị gia châu Âu có nhiều việc phải lo nghĩ hơn là chỉ những phức tạp nội bộ tại Anh.

Những người không muốn Anh ra đi và muốn đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 cần phải nhớ rằng Anh có thể sẽ không ở ngoài EU mãi mãi.

Thỏa thuận mà người ta đang cân nhắc không ngăn Anh tìm cách quay trở lại, kể cả trong giai đoạn chuyển tiếp. Rất có thể thế hệ chính trị gia trẻ tuổi tại Anh sẽ lại một ngày nào đó đưa Anh quay về với EU, nơi mà họ thuộc về.

Thời gian không còn nhiều, những người sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ Brexit - các doanh nghiệp, thanh niên, những công dân Anh đang sinh sống ở các nước EU và các công dân EU sống tại Anh - cần một cuộc ly hôn suôn sẻ.

Đã đến lúc các chính trị gia Anh cần thay đổi. Chỉ có người Anh mới có thể đưa chính trường của họ từ thói quen đẩy mâu thuẫn lên cao trào tới mức “một mất một còn” sang hình thái xây dựng và tích cực. Văn hóa chính trị Anh đã trông đợi một sự thay đổi từ quá lâu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục