Vấn đề kỳ thị giới tính lại gây tranh cãi trong làng quần vợt

Tiếp theo phát ngôn mang tính phân biệt giới tính của Giám đốc điều hành giải đấu Indian Wells 2016, tay vợt Novak Djokovic tiếp tục có một đề nghị gây tranh cãi.
Vấn đề kỳ thị giới tính lại gây tranh cãi trong làng quần vợt ảnh 1Giám đốc điều hành giải đấu Indian Wells Raymond Moore và tay vợt Novak Djokovic. (Nguồn: Getty Images)

Tiếp theo phát ngôn mang tính phân biệt giới tính của Giám đốc điều hành giải đấu quần vợt Indian Wells 2016, tay vợt nam hàng đầu thế giới Novak Djokovic tiếp tục có một đề nghị gây tranh cãi liên quan đến vấn đề này.

Trong một tuyên bố sau khi giành cúp Indian Wells thứ 5, tay vợt Djokovic đã chỉ trích bình luận trước đó của Giám đốc Raymond Moore về việc các tay vợt nữ đang được "thơm lây" nhờ sự nổi tiếng của các tay vợt nam.

Djokovic khẳng định các tay vợt nữ đã đấu tranh cho những gì xứng đáng và đã giành được sự thừa nhận. Tuy nhiên, tay vợt 28 tuổi người Serbia cũng cho rằng giải thưởng giành cho nội dung thi đấu của nam nên được tăng lên so với giải nữ vì lượng khán giả xem giải đấu nam nhiều hơn so với giải đấu nữ.

Tuyên bố này dự báo sẽ gây sóng gió lớn trong làng quần vợt ngay sau phát biểu gây tranh cãi của Giám đốc điều hành giải đấu quần vợt Indian Wells 2016, Raymond Moore trong lễ đăng quang của hai tay vợt Victoria Azarenka và Novak Djokovic tại giải này.

Trong một bình luận, Giám đốc Raymond Moore đã nêu rõ: “Nếu kiếp sau được làm phụ nữ, tôi sẽ quỳ tạ ơn Chúa mỗi ngày vì đã sinh ra Roger Federer hay Rafael Nadal vì những đóng góp của họ cho quần vợt. Vâng, phải nói rằng các tay vợt nữ và Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) rất may mắn khi được thơm lây.”

Ông Moore sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi tất cả các tay vợt WTA vì phát biểu này. Djokovic cũng nằm trong số các tay vợt yêu cầu ông Moore xin lỗi vì bình luận trên.

Quần vợt bấy lâu luôn tự hào về sự bình đẳng giới mà họ tạo được so với các môn thể thao khác. Thế nhưng, 48 năm kể từ kỷ nguyên mở rộng, vẫn còn tồn tại sự kỳ thị giới tính sâu sắc. Đặc biệt là ở những quan chức cấp cao của giải đấu, những nhà tài trợ và thậm chí ở nhiều tay vợt nam.

Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng chủ yếu vẫn do tính hấp dẫn về thương mại. Quần vợt nam hấp dẫn hơn về mặt chuyên môn, kỹ thuật và sự kịch tính nên có nhiều khán giả hơn.

Bởi thế, các giải đấu muốn đảm bảo thành công về mặt thương mại cũng ưu ái phái mạnh. Thực tế này đã kéo theo nhiều vấn đề bất công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục