Văn học dịch: Phong phú nhưng khó phân luồng

Theo dịch giả Nguyễn Văn Dân, sách văn học dịch của Việt Nam giống như mặt biển mênh mông: Phong phú, đa dạng nhưng khó phân luồng.
Dịch thuật là cầu nối tạo ra sự giao lưu văn hóa, văn học giữa Việt Nam và thế giới. Tình hình dịch thuật của Việt Nam hiện nay diễn biến như thế nào?

Để giúp độc giả có câu trả lời, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sĩ, dịch giả Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Chịu sức ép của thương mại hóa văn hóa

- Thưa phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Dân, là Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, ông có thể đánh giá chung về tình hình văn học dịch hiện nay của nước ta?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Dân: Văn học dịch ở Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống văn học nước nhà. Nó là một trong những kênh quan trọng, thậm chí đối với công chúng bình dân thì nó có thể được coi là kênh quan trọng nhất để giúp độc giả Việt Nam tiếp cận với những tinh hoa văn hoá và văn học của thế giới. Nói một cách khác, văn học dịch là một cửa sổ nhìn ra thế giới.

Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế như hiện nay, người ta không thể hình dung được nền văn hoá và văn học của một quốc gia sẽ phát triển như thế nào nếu thiếu bộ phận văn học dịch.

Chính vì thế, văn học dịch ở nước ta không ngừng nhận được sự hưởng ứng của xã hội, từ các cấp quản lý nhà nước đến bạn đọc bình dân. Nhu cầu tìm hiểu văn học của các dân tộc khác đã trở thành động lực thường xuyên thúc đẩy văn học dịch nên văn học dịch luôn được đón nhận rộng rãi trong công chúng Việt Nam.

Có cầu thì có cung, các nhà xuất bản ở nước ta tất nhiên rất quan tâm đến mảng văn học này. Tuy nhiên, như mọi lĩnh vực khác, văn học dịch cũng phải chịu sự chi phối của kinh tế thị trường. Do đó, văn học dịch ở nước ta hiện đang phải chịu sức ép của xu hướng thương mại hóa văn hóa.

Không có bao cấp, các nhà xuất bản và người dịch thường phải tập trung vào những cuốn sách bán chạy, sách được giải, sách thuộc những hiện tượng đặc biệt. Còn những tác phẩm thuộc hàng kinh điển thường phải có tài trợ mới in được.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là sách kinh điển không có người đọc. Trên thực tế, người đọc Việt Nam hiện nay có thị hiếu và nhu cầu rất phong phú, đa dạng. Vì thế, nếu như sách bán chạy có thể tiêu thụ được nhanh và với số lượng lớn thì sách kinh điển vẫn bán được nhưng phải có thời gian.

Cùng số phận với mảng sách này còn có cả sách lý luận, phê bình của nước ngoài.

Nhìn chung, sách văn học dịch của nước ta giống như mặt biển mênh mông: Phong phú, đa dạng nhưng khó phân luồng.

- Có thể nhận thấy, số lượng sách nước ngoài dịch vào Việt Nam ngày một nhiều nhưng những sách mang tính thị trường vẫn đang lấn át các tác phẩm kinh điển. Chúng ta phải làm gì để hạn chế điều này, thưa ông?


Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Dân: Như tôi đã nói, trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, những tác phẩm mang tính thương mại đang lấn át những tác phẩm kinh điển là điều không thể tránh khỏi ở bất cứ nước nào.

Chúng ta không thể hạn chế được sách thương mại nhưng chúng ta có thể khuyến khích được việc dịch tác phẩm kinh điển bằng sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, chúng ta có thể mở rộng sự hỗ trợ tới cả các tổ chức xã hội và tư nhân.

Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, đặc biệt là trong nhà trường về tầm quan trọng của tác phẩm kinh điển.

Nói chung, cần có chủ trương ở tầm vĩ mô đối với việc giới thiệu văn học thế giới một cách có hệ thống, đặc biệt là trong nhà trường. Như thế, tác phẩm văn học kinh điển và những tác phẩm có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học thế giới sẽ chắc chắn có cơ hội hiện diện thường xuyên trong sự tiếp nhận của người đọc.

Cần mở thêm kênh trao đổi


- Ông nhận xét gì về đội ngũ dịch thuật ở nước ta hiện nay, đặc biệt là các dịch giả trẻ?


Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Dân: Đội ngũ những người dịch văn học ở nước ta hiện nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp. Lớp dịch giả cao tuổi đang rút lui dần. Lớp trẻ đang chiếm lĩnh văn đàn dịch thuật.

Tuy nhiên, các thế hệ vẫn cùng nhau đóng góp cho mảng văn học này. Nhiều dịch giả cao tuổi vẫn tỏ ra dẻo dai, còn các dịch giả trẻ thì sung sức và năng hoạt. Với óc nhanh nhạy, các dịch giả đã chủ động tìm kiếm tác phẩm và liên hệ về bản quyền để giới thiệu các tác phẩm văn học của nước ngoài.

Các ngôn ngữ dịch cũng rất đa dạng, không có sự độc quyền của một ngôn ngữ nào. Mấy năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao phần thưởng và bằng khen cho cả những dịch phẩm từ những ngôn ngữ ít thông dụng ở Việt Nam như Ba Lan, Hàn Quốc...

Có thể nói, đội ngũ những người dịch văn học đang tăng lên về số lượng và tính năng động.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn sâu xa thì hình như có nhiều bạn trẻ hiện nay không muốn chọn dịch thuật là một nghề của mình. Ít có bạn trẻ tỏ ra sẽ “sống chết với nghề dịch” như một số dịch giả trước đây. Một phần vì dịch thuật không thể nuôi sống được họ, một phần vì nghề này có vẻ không được “oai,” một nghề bị mang tiếng là “ăn theo” nên việc dịch của họ cũng có phần “amatơ.”

- Trong khi việc dịch sách nước ngoài vào Việt Nam diễn ra khá sôi động thì tình hình đưa sách Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế. Ông có thể cho biết nguyên nhân và một giải pháp để cải thiện tình hình này?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Dân:
Từ trước đến nay, Việt Nam đã có Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới) làm công việc giới thiệu sách Việt Nam ra thế giới. So với việc giới thiệu sách nước ngoài vào Việt Nam thì sự tồn tại của một nhà xuất bản như vậy là vô cùng hạn chế.

Tuy vậy, có một thực tế là việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào khâu xuất bản, khâu quan trọng hơn nhiều chính là khâu phát hành ở ngoài nước (dịch ra tiếng nước ngoài mà không bán được cho người nước ngoài thì chẳng có ý nghĩa gì), điều này thì các nhà xuất bản khác không thể làm được.

Điều quan trọng là phải liên kết và trao đổi xuất bản với nước ngoài. Song việc này phụ thuộc vào nhiều điều kiện bên ngoài, chúng ta không thể muốn là được.

Sắp tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm dịch thuật để đẩy mạnh công việc này. Tuy nhiên, theo tôi đây chỉ là một kênh, toàn xã hội nên mở rộng thêm nhiều kênh trao đổi vì lợi ích của công cuộc quảng bá văn hoá, văn học nước nhà, đặc biệt là nhà nước nên mở rộng chức năng này cho các công ty văn hoá.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta nên huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế để phát triển văn hoá. Nhưng trên hết, nhà nước nên coi đây là một phương diện “sức mạnh mềm” của một quốc gia, thậm chí là một trong những phương diện quan trọng nhất để có chính sách đầu tư.

Cái được của đầu tư “sức mạnh mềm” là được toàn diện và lâu dài mang tính chiến lược quốc gia, chứ không phải là những lợi ích kinh tế trước mắt. Vì thế, nhà nước nên có chiến lược đầu tư cho văn hoá, không nên phó mặc lĩnh vực này cho thị trường.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục