Trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh mồng Hai tháng Chín, phóng viên Vietnam+ tìm về làng ven đô Vạn Phúc, từng nổi tiếng là làng cách mạng an toàn trong những năm kháng chiến chống Pháp. Cảnh vật tươi sắc với nhiều đổi thay nhưng niềm tự hào về ngôi làng cách mạng ven đô trong lòng người dân nơi đây vẫn còn nguyên vẹn.
Còn đây những kỷ vật thân thương về Người
Qua những con đường bê tông, hai bên là nhiều ngôi nhà cao tầng quét vôi, lăn sơn và tấp nập những cửa hàng buôn bán tơ lụa, chúng tôi bước vào Khu di tích - nơi Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.” Nơi đây khi xưa là tư gia của ông Nguyễn Văn Dương, một trong những gia đình từng bao bọc nhiều cán bộ cao cấp của Đảng về hoạt động.
Sau chiếc cổng là lối sâu lát gạch rêu phong như đưa chúng tôi trở về những tháng năm xưa. Cây mít đầu sân “địu” trên lưng lúc lỉu những là quả, hay cây hoa giấy vươn mình leo trên tường nhà, chính là những sinh thể sống vẫn còn lại, từng lặng lẽ chứng kiến những đêm Người trăn trở cho lời kêu gọi toàn dân đứng lên chống thực dân Pháp.
Ngôi nhà gồm hai tầng, khi xưa, tầng hai được gia đình ông Dương dành cho Bác ở và làm việc từ ngày 3 đến 19 tháng 12/1946. Thời gian đó, gia đình chủ nhà sinh hoạt tại tầng một.
Mặc dù ngôi nhà đã được “tân trang” lại chút vôi cho tươi tắn nhưng vẫn không phai đi nét xưa. Trên tầng hai vẫn còn nguyên hai chiếc giường, bàn làm việc và tủ gỗ bạc màu thời gian, đôi chiếu cũ đã sờn cói cùng chiếc phản đơn sơ… Song những đồ dùng giản dị ấy như còn lưu giữ hơi ấm của Hồ Chủ tịch trước dòng chảy thời gian.
Khi chúng tôi tới đây, tầng một của ngôi nhà trống trơn do người ta chuyển hiện vật và tài liệu đi để chuẩn bị tu bổ khu di tích này. Tuy nhiên, khách vẫn được nghe ông Quản Tuấn Bình, người trông nom ngôi nhà này kể lại: Trước Tết vừa qua, ở tầng một của ngôi nhà lưu niệm vẫn được trưng bày một số hiện vật Bác đã dùng trong công việc và sinh hoạt thời gian sống ở đây. Đó là chiếc chậu thau đồng nhỏ, đôi tạ tay…
Bên cạnh đó, trên tường còn treo hai bức tranh sơn mài lớn tạc lại hình ảnh Bác chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng bàn về toàn quốc kháng chiến và bức Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.”
Căn phòng cũng trưng bày những bức ảnh, sách báo, tài liệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác.
Đắm mình trong không gian yên lặng, tiếng lá mít rơi ngỡ như tiếng bước chân Người năm nao. Ngước lên tầng hai, nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm nhẹ bay trước gió, trong chúng tôi nhen lên niềm ao ước giá như di tích kịp phục hồi trước dịp mùa thu tháng Tám này.
Và những nhân chứng sống...
Được sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương và bà con dân làng, chúng tôi tìm được đến nhà bà Nguyễn Thị Hà, người con duy nhất của vợ chồng ông Dương còn sống đến nay.
Thoáng nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu ở tuổi 72, bà Hà nhớ lại khi Bác đến nhà mình. Khi ấy, bà mới bẩy, tám tuổi. Bà chỉ nghe bố mẹ nói có cán bộ cao cấp về nhà mình mượn tầng hai để ở và làm việc. Cả gia đình bà không ai biết người cán bộ cao cấp đó chính là Bác Hồ kính yêu.
Tới tận lúc ra đi, Người gặp để cảm ơn và chào gia đình chủ nhà thì ông Dương mới biết đó là Bác. Ông không ngờ vị Chủ tịch lại giản dị và dễ gần đến thế. Đến nay, bà Hà vẫn không quên câu nói của người cha: “Được Bác ở nhà mình là vinh dự lắm. Bao nhiêu tiền của cũng không bằng.”
Bà Hà nhắc lại câu nói của người cha mà như chính lòng bà đang nói. Đó là niềm tự hào chung của cả gia đình bà cũng như cả xã Vạn Phúc (phường Vạn Phúc ngày nay).
Rời nhà bà Hà, chúng tôi tiếp tục tìm đến tư gia của ông Nguyễn Văn Kế, một trong số ít cán bộ cách mạng lão thành còn lại của nơi đây. Ở độ tuổi 87, ông Kế đã tuổi cao sức yếu nên những câu chuyện ông kể hay bị đứt khúc. Tuy vậy, nhưng trong lời kể, ánh mắt của ông vẫn như sống lại một không khí cách mạng hừng hực của Vạn Phúc trong những năm đấu tranh giành chính quyền.
Giống như nhiều người khác, mặc dù được nhận nhiệm vụ canh phòng trong làng giữ an toàn cho các cán bộ cao cấp của Đảng làm việc nhưng ông Kế không hề hay biết mình đang canh phòng cho Chủ tịch nước - vị Cha già kính yêu của toàn dân tộc.
“Tôi nhìn từ xa, Bác xuống xe chỗ Ủy ban lâm thời của tỉnh Hà Đông lúc đó. Người quàng khăn kín và được hai đồng chí tháp tùng. Bác đi bộ theo đường tắt sang lối nhà ông Dương, nhanh thoăn thoắt,” ông Kế xúc động nhớ lại.
Trong dòng hồi tưởng, ông Kế không giấu được niềm tự hào: “Bác về làm việc ở đây đến nửa tháng mà cả xóm không ai biết. Tôi là Trung đội trưởng đội tự vệ của xóm cũng không được biết. Nhờ thế mới giữ được an toàn cho Bác và cách mạng.”
Rồi ông tiếp lời: Thời đó, Vạn Phúc là một cơ sở cách mạng vững mạnh của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… đã về đây làm việc và được chi bộ Đảng cùng quần chúng bảo vệ an toàn. Do vậy, nơi đây còn được gọi là khu an toàn cách mạng.
Mải mê câu chuyện cùng ông Kế, trời đã sập tối tự lúc nào. Chúng tôi rời Vạn Phúc dưới ánh điện đường sáng trưng và gió mát thanh bình mà mang theo về niềm tự hào của vùng đất cách mạng Vạn Phúc của mội thời quật khởi anh hùng./.
Còn đây những kỷ vật thân thương về Người
Qua những con đường bê tông, hai bên là nhiều ngôi nhà cao tầng quét vôi, lăn sơn và tấp nập những cửa hàng buôn bán tơ lụa, chúng tôi bước vào Khu di tích - nơi Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.” Nơi đây khi xưa là tư gia của ông Nguyễn Văn Dương, một trong những gia đình từng bao bọc nhiều cán bộ cao cấp của Đảng về hoạt động.
Sau chiếc cổng là lối sâu lát gạch rêu phong như đưa chúng tôi trở về những tháng năm xưa. Cây mít đầu sân “địu” trên lưng lúc lỉu những là quả, hay cây hoa giấy vươn mình leo trên tường nhà, chính là những sinh thể sống vẫn còn lại, từng lặng lẽ chứng kiến những đêm Người trăn trở cho lời kêu gọi toàn dân đứng lên chống thực dân Pháp.
Ngôi nhà gồm hai tầng, khi xưa, tầng hai được gia đình ông Dương dành cho Bác ở và làm việc từ ngày 3 đến 19 tháng 12/1946. Thời gian đó, gia đình chủ nhà sinh hoạt tại tầng một.
Mặc dù ngôi nhà đã được “tân trang” lại chút vôi cho tươi tắn nhưng vẫn không phai đi nét xưa. Trên tầng hai vẫn còn nguyên hai chiếc giường, bàn làm việc và tủ gỗ bạc màu thời gian, đôi chiếu cũ đã sờn cói cùng chiếc phản đơn sơ… Song những đồ dùng giản dị ấy như còn lưu giữ hơi ấm của Hồ Chủ tịch trước dòng chảy thời gian.
Khi chúng tôi tới đây, tầng một của ngôi nhà trống trơn do người ta chuyển hiện vật và tài liệu đi để chuẩn bị tu bổ khu di tích này. Tuy nhiên, khách vẫn được nghe ông Quản Tuấn Bình, người trông nom ngôi nhà này kể lại: Trước Tết vừa qua, ở tầng một của ngôi nhà lưu niệm vẫn được trưng bày một số hiện vật Bác đã dùng trong công việc và sinh hoạt thời gian sống ở đây. Đó là chiếc chậu thau đồng nhỏ, đôi tạ tay…
Bên cạnh đó, trên tường còn treo hai bức tranh sơn mài lớn tạc lại hình ảnh Bác chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng bàn về toàn quốc kháng chiến và bức Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.”
Căn phòng cũng trưng bày những bức ảnh, sách báo, tài liệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác.
Đắm mình trong không gian yên lặng, tiếng lá mít rơi ngỡ như tiếng bước chân Người năm nao. Ngước lên tầng hai, nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm nhẹ bay trước gió, trong chúng tôi nhen lên niềm ao ước giá như di tích kịp phục hồi trước dịp mùa thu tháng Tám này.
Và những nhân chứng sống...
Được sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương và bà con dân làng, chúng tôi tìm được đến nhà bà Nguyễn Thị Hà, người con duy nhất của vợ chồng ông Dương còn sống đến nay.
Thoáng nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu ở tuổi 72, bà Hà nhớ lại khi Bác đến nhà mình. Khi ấy, bà mới bẩy, tám tuổi. Bà chỉ nghe bố mẹ nói có cán bộ cao cấp về nhà mình mượn tầng hai để ở và làm việc. Cả gia đình bà không ai biết người cán bộ cao cấp đó chính là Bác Hồ kính yêu.
Tới tận lúc ra đi, Người gặp để cảm ơn và chào gia đình chủ nhà thì ông Dương mới biết đó là Bác. Ông không ngờ vị Chủ tịch lại giản dị và dễ gần đến thế. Đến nay, bà Hà vẫn không quên câu nói của người cha: “Được Bác ở nhà mình là vinh dự lắm. Bao nhiêu tiền của cũng không bằng.”
Bà Hà nhắc lại câu nói của người cha mà như chính lòng bà đang nói. Đó là niềm tự hào chung của cả gia đình bà cũng như cả xã Vạn Phúc (phường Vạn Phúc ngày nay).
Rời nhà bà Hà, chúng tôi tiếp tục tìm đến tư gia của ông Nguyễn Văn Kế, một trong số ít cán bộ cách mạng lão thành còn lại của nơi đây. Ở độ tuổi 87, ông Kế đã tuổi cao sức yếu nên những câu chuyện ông kể hay bị đứt khúc. Tuy vậy, nhưng trong lời kể, ánh mắt của ông vẫn như sống lại một không khí cách mạng hừng hực của Vạn Phúc trong những năm đấu tranh giành chính quyền.
Giống như nhiều người khác, mặc dù được nhận nhiệm vụ canh phòng trong làng giữ an toàn cho các cán bộ cao cấp của Đảng làm việc nhưng ông Kế không hề hay biết mình đang canh phòng cho Chủ tịch nước - vị Cha già kính yêu của toàn dân tộc.
“Tôi nhìn từ xa, Bác xuống xe chỗ Ủy ban lâm thời của tỉnh Hà Đông lúc đó. Người quàng khăn kín và được hai đồng chí tháp tùng. Bác đi bộ theo đường tắt sang lối nhà ông Dương, nhanh thoăn thoắt,” ông Kế xúc động nhớ lại.
Trong dòng hồi tưởng, ông Kế không giấu được niềm tự hào: “Bác về làm việc ở đây đến nửa tháng mà cả xóm không ai biết. Tôi là Trung đội trưởng đội tự vệ của xóm cũng không được biết. Nhờ thế mới giữ được an toàn cho Bác và cách mạng.”
Rồi ông tiếp lời: Thời đó, Vạn Phúc là một cơ sở cách mạng vững mạnh của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… đã về đây làm việc và được chi bộ Đảng cùng quần chúng bảo vệ an toàn. Do vậy, nơi đây còn được gọi là khu an toàn cách mạng.
Mải mê câu chuyện cùng ông Kế, trời đã sập tối tự lúc nào. Chúng tôi rời Vạn Phúc dưới ánh điện đường sáng trưng và gió mát thanh bình mà mang theo về niềm tự hào của vùng đất cách mạng Vạn Phúc của mội thời quật khởi anh hùng./.
Thiên Linh (Vietnam+)