Sáng ngày 21/2 tại Hà Nội, phiên họp cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF đã chính thức được khai mạc với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Sự kiện có chủ đề: "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới" với 3 phiên thảo luận gồm sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong sự phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ổn định và bền vững; định vị doanh nghiệp trong và ngoài nước trong chuỗi cung ứng.
Các phiên thảo luận tập trung vào một số nội dung như nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và tăng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam; tài chính cần thiết cho phát triển cụm công nghiệp và chuỗi cung ứng; công nghệ số là chìa khóa cho sự tăng trưởng và điện, năng lượng và môi trường bền vững cho sự tăng trưởng...
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã khái quát thực trạng hiện nay về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Thực trạng cho thấy chỉ cách đây 5 tháng, các doanh nghiệp còn vô cùng lo lắng về những tác động và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã kéo theo hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, chuỗi cung ứng đứt gãy.... song nhờ sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như, mới đây nhất có Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” chuyển từ chiến lược Zero COVID sang chung sống lâu dài với COVID-19 giúp các doanh nghiệp kịp thời thoát khỏi những khó khăn, bế tắc trong đại dịch.
[VCCI đề xuất các giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế]
Cùng với đó, việc phủ rộng tiêm phòng vaccine cho người dân và các chuyên gia nước ngoài và gia đình đang công tác tại Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng đã tạo sự an tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế cũng như trong nước đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Kết quả là tăng trưởng GDP cả năm 2021 cả nước ước đạt 2,58%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 cũng đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định… tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam mở cửa và hợp tác trong trạng thái bình thường mới với thế giới.
Dù đã đạt được một số kết quả đầy khích lệ nhưng ông Phạm Tấn Công cũng lưu ý tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, với biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.
Những tuần gần đây, số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước tăng mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.”
Để thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, năm 2022, mục tiêu cần phấn đấu thực hiện là đầy thách thức, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra từ 6-6,5% năm.
Ngày 30/1 tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Một loạt chuyển động chính sách quan trọng khác cũng đã diễn ra trên thực tế, như giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2…
Theo ông Công, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định năm 2021, nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Thu ngân sách vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực.
Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng trên 46% so với năm 2020, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020.
Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhận...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về nhiều giải pháp hướng tới những vấn đề trung và dài hạn như nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng công nghệ số, kinh tế số và chính phủ số; cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ổn định, bền vững.
Những thảo luận tích cực, xây dựng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF từ phía cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời gian tới./.