Vị ngọt ngào của trái quýt trên vùng đồi khô cằn Mường Khương

Về Mường Khương đúng mùa thu hoạch quýt, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt mỹ của sự trù phú.Những nương quýt chín đỏ ối trong nắng vàng hứa hẹn mùa vụ bội thu, hương quýt thoang thoảng.
Vị ngọt ngào của trái quýt trên vùng đồi khô cằn Mường Khương ảnh 1Người nông dân trong thị trấn Mường Khương thu hoạch quýt. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Cây quýt giờ đây không chỉ là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ dân ở Mường Khương thoát được nghèo mà còn góp phần rất lớn thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngoạn mục

Ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, ai cũng biết tới gia đình anh Làn Mậu Thành - một trong những người đầu tiên tiên phong trồng và làm giàu từ cây quýt.

Với tinh thần chịu khó, dám nghĩ, dám làm, người nông dân dân tộc Tu Dí này đã mạnh dạn đưa giống cây quýt ngọt vào trồng trên đất đồi dốc, từ đó giúp gia đình anh thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả.

Từ năm 1999, hai vợ chồng anh Thành bắt tay vào khai phá đồi đất khô cằn um tùm cỏ dại mọc thành bãi trồng mía xương gà. Tuy nhiên, sau 2 năm thử nghiệm, anh Thành nhận thấy mô hình này không hiệu quả nên nghiêm cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây quýt ngọt.

Nghĩ là làm, anh Thành vay mượn vốn từ người thân, họ hàng, vay thêm của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện để mua 2.000 cây quýt giống về trồng. Trước đó, vợ chồng anh đã cần mẫn cuốc xới tơi xốp hơn 1ha đất đồi, sau đó bón phân chuồng cho đất thêm màu mỡ.

Kết quả đã không phụ công người có chí, những trái quýt ngọt lịm kết trái, đưa ra thị trường được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Gia đình anh Thành có thêm động lực để mở rộng sản xuất.

Từ 2.000 gốc quýt ban đầu, anh Thành tiếp tục cải tạo đất, mở rộng diện tích trồng quýt. Đến nay, gia đình anh đã có tới hơn 13.000 cây quýt gồm các giông quýt sen, quýt bột, quýt giấy... rất được thị trường ưa chuộng.

Vừa trồng, anh Thành vừa rút kinh nghiệm và học hỏi qua sách, báo kỹ thuật trồng từ khâu chọn giống, cách trồng, cách chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh thời kỳ cây sinh trưởng, phát triển và giai đoạn cây cho quả, cách bón phân hợp lý theo độ tuổi của cây.

Bên cạnh đó, anh Thành cũng nhiệt tình chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn cùng nhau làm kinh tế.

Đến giờ, hàng trăm gia đình người Tu Dí, Pa Dí, người Dao ở Mường Khương đều đã chuyển sang trồng quýt.

Những cây giống lần lượt bén rễ, ra hoa, kết trái khắp thị trấn Mường Khương, rồi các xã Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ... và người nông dân chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Cây quýt giờ đây không chỉ là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ thoát được nghèo mà còn góp phần rất lớn thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thành quả ngọt ngào

Về Mường Khương đúng mùa thu hoạch quýt, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt mỹ của sự trù phú.

Những nương quýt chín đỏ ối trong nắng vàng hứa hẹn mùa vụ bội thu, hương quýt thơm thoang thoảng trong gió, tinh khiết, ngọt ngào. Người dân tấp nập thu hoạch, đóng gói, xếp những thùng quýt lên các phương tiện vận chuyển tỏa đi muôn hướng theo các đơn đặt hàng.

Đặc biệt, chính quyền huyện Mường Khương đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc 20ha quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10 hằng năm) với năng suất trung bình 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha, mang lại nguồn lợi không nhỏ so với quýt chính vụ.

Giống quýt chín sớm được trồng không chỉ mang lại hiệu quả cao gấp 7-10 lần trồng ngô mà việc cây quýt cho thu hoạch sớm gần 2 tháng cũng cho giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ.

[Mùa dổi bội thu đem lại giá trị kinh tế cho người dân vùng cao]

Gia đình vợ chồng anh Sền Pờ Diu và chị Pờ Thị Sen ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương hiện sở hữu 3ha quýt ngọt, cứ mỗi 2.000 gốc cho trung bình 20 tấn/năm, thu lãi bình quân trong 4 tháng cuối năm đạt khoảng 300 triệu đồng.

Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ, huyện Mường Khương cũng phát triển thêm cây quýt chín muộn (thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, trùng vào dịp Tết Nguyên đán) với 5ha, năng suất trung bình 12 tấn/ha, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha.

Giống quýt muộn cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi, giá trị cao.

Gia đình anh Thành, chị Sen, anh Diu cùng hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, Phù Lá, Nùng…. ở các thôn Chúng Chải A, Chúng Chải B, Sả Hồ của thị trấn Mường Khương và các xã Tung Chung Phố, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tả Ngải Chồ… nhờ chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt rải vụ đã nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững.

Tính đến nay, các xã rẻo cao biên giới của huyện Mường Khương đã có hơn 448ha quýt, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 1.200 tấn quả, thu về hơn 20 tỷ đồng.

Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và nguồn thu ổn định.

Khẳng định thương hiệu "Quýt Mường Khương"

Huyện biên giới Mường Khương có đặc thù là thiếu nước sinh hoạt và phát triển nông nghiệp, tuy nhiên khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng lại rất thích hợp để trồng quýt và một số cây ăn quả có múi khác.

Địa hình Mường Khương nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới. Do chênh lệch nhiệt độ giữ ngày và đêm lớn, sương mù và độ ẩm cao nên chất lượng quýt và các loại trái cây có múi được trồng ở đây vượt trội hơn, quả to, mọng nước, vị ngọt, thơm đặc trưng.

Không khó hiểu vì sao quýt Mường Khương luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu" khi mà thương lái từ các nơi cứ nườm nượp đánh xe vào tận các nhà vườn để mua quýt Mường Khương đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, người nông dân trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua các sàn giao dịch điện tử và quảng bá sản phẩm các trang mạng xã hội.

Nhanh nhạy hơn, nhiều chủ vườn còn thực hiện kết hợp mô hình tham quan, du lịch vườn quýt rất thành công. Du khách bốn phương đổ về các vườn quýt chụp ảnh, mua quýt về làm quà và giới thiệu cho nhau đến tham quan.

Trái quýt Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý - tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Để giữ vững thương hiệu quýt Mường Khương, ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương cho biết, địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích quýt sản xuât theo tiêu chuẩn VietGAP hiện có, đồng thời hướng dân nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm năng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiệu và nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội Quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho người dân địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục