Otaviano Canuto, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, cho rằng thay vì chống lại toàn cầu hóa, các quốc gia nên tăng cường khả năng tận dụng nó.
Bản dịch bài viết của chuyên gia này được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.
Toàn cầu hóa đã bị chỉ trích trong những năm gần đây, với việc dân chúng ở một số quốc gia ngày càng trở nên giận dữ với việc phân chia thiếu bình đẳng những thành quả của nó. Tuy nhiên, không nên để những yếu kém trong việc quản lý hay thực hiện làm lu mờ những lợi ích sâu rộng tiềm tàng của toàn cầu hóa, bao gồm việc toàn cầu hóa thúc đẩy việc chuyển giao và đổi mới những công nghệ hỗ trợ năng suất lao động trên toàn thế giới.
Như được chỉ ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) số ra tháng Tư 2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, toàn cầu hóa - bao hàm việc tiếp tục tự do hoá thương mại, tăng cường đầu tư trực tiếp, và sử dụng phát minh và bản quyền trên quy mô toàn cầu - đã thực sự hỗ trợ việc phổ biến kiến thức và công nghệ.
Sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng gắn liền với toàn cầu hóa cũng có thể đóng góp cho sự thịnh vượng chung, do nó tăng cường khích lệ việc áp dụng những công nghệ mới cũng như việc sáng tạo.
Thông qua việc hỗ trợ năng suất lao động, điều này về tổng thể có thể giúp tăng sản lượng bình quân với một chi phí tương đối thấp.
Báo cáo WEO ước tính rằng ở các nền kinh tế thị trường đang nổi lên, kiến thức nhận được từ bên ngoài chiếm khoảng 0,7% mức tăng trưởng hàng năm về năng suất lao động trong khoảng thời gian 2004-2014, và tổng cộng 40% mức tăng trưởng về năng suất ở những lĩnh vực được theo dõi.
Trong khoảng thời gian 1995-2003, tỷ lệ này chỉ là 0,4%. Những kết quả này là thật sự đáng nể cho dù chưa tính đến Trung Quốc ở đây, và nó cho thấy những tác động về năng suất gắn liền với toàn cầu hóa là có cơ sở hết sức rộng lớn.
Hơn nữa, việc phổ biến kiến thức và công nghệ trên quy mô toàn cầu đang tạo ra những tác động tích cực bao trùm toàn hệ thống thông qua quá trình tương tự như việc thụ phấn chéo, do nó tạo điều kiện cho các nước nhận công nghệ thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển của chính mình.
[Mỹ đang vô tình giúp Trung Quốc vươn tới vị thế lãnh đạo toàn cầu?]
Những động lực như vậy là một lý do chính giải thích tại sao, ở Trung Quốc, chi phí cho R&D (nghiên cứu và phát triển) đã tăng vọt, và ở Hàn Quốc, đăng ký bản quyền phát minh chất đống ngày càng nhiều trong kho lưu trữ. Những quốc gia này đã gia nhập hàng ngũ những quốc gia đi đầu truyền thống trong các lĩnh vực như thiết bị điện tử và quang học cũng như máy móc (trong trường hợp Hàn Quốc).
Trong khi đó, kể từ đầu những năm 2000, những nền kinh tế hàng đầu đã phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng suy giảm về cả năng suất lao động lẫn năng suất các nhân tố tổng hợp (được dùng để đo lường những yếu tố đầu vào đã sử dụng hiệu quả như thế nào trong quá trình sản xuất). Những nền kinh tế này cũng gặp phải tình trạng mức tăng trưởng bản quyền phát minh chậm lại và, ở một chừng mực nào đó, một sự suy giảm về đầu tư vào R&D.
Một số người lập luận rằng tình trạng suy giảm trong lĩnh vực sáng chế ở các nền kinh tế hàng đầu chỉ mang tính tạm thời. Theo quan điểm này thì tác động của làn sóng sáng tạo lớn gần đây nhất (xuất phát từ những tiến bộ trong công nghệ thông tin và viễn thông) đang trở nên mờ nhạt trong khi tác động của làn sóng đang nổi lên (như trí tuệ thông minh, tự động hóa, và machine learning [máy tính có khả năng tự học hỏi]) vẫn chưa trở thành hiện thực hoàn toàn.
Một số người khác lại tỏ ra ít lạc quan hơn, lưu ý rằng cùng với thời gian những tiến bộ mang tính biến đổi ngày càng trở nên khó thành đạt hơn, dẫn tới tình trạng suy giảm trong đời thực về gia tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, cho dù theo kịch bản này, thì những lỗ hổng dai dẳng về công nghệ lại hàm ý là sẽ có thêm rất nhiều cơ hội cho các nền kinh tế mới nổi nắm lấy thông qua việc áp dụng và thực hiện việc thích nghi và đổi mới của chính mình.
Dĩ nhiên, việc chỉ kết nối với nhau không thôi sẽ không tự động tạo ra sự gia tăng về năng suất cũng như sự đổi mới của từng quốc gia, và cụ thể hơn là tại các địa phương. Vì lý do đó, các bên tham gia kinh tế phải kết hợp những công nghệ mà họ nhận được với nội dung đặc biệt hướng vào khu vực địa lý của họ, là cái không thể có được hay được chuyển giao thông qua những kênh tiêu chuẩn, như sách giáo khoa chẳng hạn, và do vậy không thể phổ biến một cách hoàn hảo như thông tin công cộng hay tài sản cá nhân.
Bằng việc tận dụng kiến thức mang đặc tính riêng và những khả năng mang tính địa phương, các quốc gia có thể tận dụng tối đa việc phổ biến công nghệ, thường là bắt đầu bằng việc chấp nhận phương pháp mới, tiếp đó chuyển sang điều chỉnh cho thích ứng, và cuối cùng là sáng tạo chúng. Đây là đường hướng tiếp cận đang được thực hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc - những quốc gia đang tiến hành công việc sáng tạo của riêng mình.
Theo báo cáo WEO, trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc hiện vẫn được coi là những nước nhận dòng kiến thức toàn cầu thì những quốc gia này cũng đang trên con đường tiến tới trở thành những nguồn kiến thức quan trọng.
Đối với bất kỳ nền kinh tế dù là đang nổi lên hay đang phát triển nào đó, thành công phụ thuộc vào sự hiện diện của một loạt rộng lớn những nhân tố bổ sung như: được tiếp cận nguồn tài chính, hạ tầng cơ sở có chất lượng, có đủ nguồn lao động có tay nghề, và khả năng quản lý và tổ chức vững vàng. Những thất bại của thị trường không được phép gây phương hại cho việc khuyến khích tích luỹ kiến thức. Và những chi phí giao dịch gắn liền với công việc tiến hành kinh doanh - như thương mại qua biên giới, tuyển mộ nhân viên và thực hiện các hợp đồng chẳng hạn - phải được giữ trong vòng kiểm soát.
Không có được môi trường mang tính hỗ trợ như trên thì việc đầu tư vào việc phát triển những khả năng sáng tạo có khả năng sẽ chỉ đem lại những thành quả còi cọc.
Tuy nhiên, một môi trường như vậy chỉ đang tồn tại ở một vài địa điểm tương đối hiếm hoi. Điều này giải thích tạo sao, mặc dù bức tranh sáng tạo toàn cầu chắc chắn đang thay đổi về tổng thể, thì việc biến đổi cho đến nay vẫn chưa diễn ra nhanh và sâu sắc như người ta hy vọng.
Nó cũng giải thích điều mà các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới Xavier Cirera và William Maloney gọi là “nghịch lý sáng tạo”: bất chấp những thành quả to lớn tiềm tàng thu được từ việc đầu tư vào việc sáng tạo ở các nước đang phát triển, những quốc gia này vẫn tụt hậu rất xa so với các đối tác tiên tiến của họ.
Toàn cầu hóa cũng đã được thể hiện cho thấy tiềm năng to lớn của nó trong việc hỗ trợ sáng tạo, năng suất, và tăng trưởng trên quy mô toàn cầu. Thay vì chống lại toàn cầu hóa, các quốc gia nên tăng cường khả năng tận dụng nó./.