Những người chỉ trích đang thúc giục Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền quân sự Myanmar sau khi bà Aung San Suu Kyi bị tuyên án.
Họ lo sợ việc EU không hành động sẽ gửi thông điệp sai lệch đến Myanmar.
Sau khi Mỹ, Anh và Canada công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với chính quyền quân sự Myanmar hồi cuối tuần trước, áp lực đang gia tăng đối với EU trong việc theo gót các nước này.
Trước đó, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Heidi Hautala đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với chính quyền quân sự này và các doanh nghiệp liên quan tiếm quyền bất hợp pháp trong cuộc đảo chính ngày 1/2/2021. Tuy nhiên, người phát ngôn của EU từ chối bình luận về vấn đề này.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất từ một số quốc gia phương Tây khác được đưa ra vài ngày sau khi bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước bị lật đổ, bị kết án 2 năm tù với tội danh kích động và vi phạm các quy tắc phòng chống dịch COVID-19.
[Myanmar: Chính quyền quân sự giảm án cho bà Aung San Suu Kyi]
Các cáo buộc bổ sung chống lại nhà lãnh đạo từng đoạt Giải Nobel Hòa bình này có thể khiến bà chịu án tù tới 100 năm. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, mà quân đội sau đó tuyên bố là có gian lận.
Trong nhiều thập kỷ trước đó, Myanmar bị cai trị bởi một chế độ độc tài quân sự từ năm 1962 cho đến khi chuyển đổi sang dân chủ hồi đầu thập kỷ trước, mặc dù quân đội vẫn duy trì rất nhiều quyền lực chính trị ngay cả sau khi đảng của bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2016.
“Một danh sách dài các lý do” để siết chặt lệnh trừng phạt
Mark Farmaner, Giám đốc Nhóm hành động vì Myanmar có trụ sở ở Anh, cho biết bản án mới nhất dành cho bà Suy Kyi “chỉ là một phần của một danh sách dài các lý do tại sao EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn đối với quân đội (Myanmar).”
Ông Farmaner nói: “Đã gần sáu tháng EU không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, điều này sẽ khuyến khích quân đội Myanmar tin rằng EU sẽ không có thêm bất kỳ hành động nào nữa.”
Sau cuộc đảo chính ngày 1/2, Brussels đã phải mất vài tuần trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới tướng lĩnh và các doanh nghiệp do quân đội điều hành ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Đợt trừng phạt thứ ba có hiệu lực vào tháng Sáu vừa qua.
Các cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ tại các tỉnh dân tộc thiểu số của Myanmar đã leo thang thành xung đột mở, khiến một số nhà quan sát lo ngại rằng Myanmar có thể trở thành một “quốc gia thất bại.”
Kristina Kironska, học giả ở Bratislava chuyên về Myanmar, cho rằng EU có nhiều ảnh hưởng hơn mức có thể sử dụng để làm suy yếu quân đội và hỗ trợ người dân Myanmar. Tuy nhiên, EU đã “không sử dụng đòn bẩy này.”
Bà nói: “Thật đáng thất vọng vì lúc đầu có vẻ như EU đã học được từ những sai lầm của họ trong quá khứ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, khi trước đây các đợt trừng phạt chỉ được áp dụng vài năm một lần sau khi một hành vi tàn bạo xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này.”
Chưa có tuyên bố nào về các biện pháp mới
Cho đến nay, EU vẫn chưa cho biết liệu họ có xem xét áp đặt lệnh đợt trừng phạt thứ tư đối với các tướng lĩnh của Myanmar hay không. Tuần trước, trong một tuyên bố đề cập việc kết án bà Suu Kyi, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nói: “EU lên án mạnh mẽ phán quyết có động cơ chính trị này, nó tạo ra một trở ngại lớn khác cho nền dân chủ ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự.”
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao này không đề cập khả năng có các biện pháp trừng phạt mới trong một phát biểu với tư cách cá nhân hôm 10/12 để đánh dấu Ngày Nhân quyền.
Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn EU Peter Stano cho biết Borrell hoặc các nước thành viên EU phải đề xuất các biện pháp bổ sung để Hội đồng châu Âu thông qua. Tuy nhiên, áp lực đang gia tăng đòi Brussels phải làm nhiều hơn nữa, và một số quan chức Ủy ban châu Âu yêu cầu giấu tên cho biết các cuộc thảo luận hạn chế đã diễn ra để bàn về các lệnh trừng phạt mới có thể được áp đặt.
Tháng 10 vừa qua, EP đã kêu gọi Hội đồng châu Âu hành động bổ sung. Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala nói rằng các biện pháp trừng phạt mới nên bao gồm các lệnh đóng băng tài sản và cấm chuyển tiền hay giao dịch tài chính quốc tế” đối với các ngân hàng quốc doanh của Myanmar.
Bà nói thêm rằng EU cũng nên xem xét gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Dầu khí Myanmar, thực thể được cho là mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho quân đội.
Bên cạnh đó, bà Hautala cũng kêu gọi thực thi nhiều hơn các lệnh trừng phạt hiện nay của EU. Tháng Chín vừa qua, Cơ quan Điều tra Môi trường đã báo cáo rằng EU tiếp tục nhập khẩu gỗ tếch khai thác bất hợp pháp từ Myanmar vi phạm Quy định về gỗ của EU.
Myanmar Timber Enterprise, một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước kiểm soát hầu hết các hoạt động xuất khẩu gỗ, cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU. Bà Hautala nhấn mạnh: “EU không thể trở thành một điểm nóng về gỗ bất hợp pháp mang lại lợi nhận cho chính quyền quân sự Myanmar.”
Các câu hỏi về vai trò hòa giải của ASEAN
Các ý kiến tại Brussels cũng đang chia rẽ về việc liệu có nên tiếp tục tin tưởng vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình với giới lãnh đạo quân đội Myanmar hay không.
ASEAN đã bị chỉ trích sau khi giới quân sự cầm quyền ở Myanmar phá vỡ gần như tất cả các điều kiện được nêu trong “Đồng thuận 5 điểm,” thỏa thuận mà các tướng lĩnh quân đội và ASEAN đã nhất trí hồi đầu năm nay, trong đó kêu gọi ngừng ngay lập tức bạo lực ở Myanmar và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, cùng các biện pháp khác. Tuy nhiên, ASEAN đã cố gắng lấy lại phần nào lòng tin sau khi loại nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, khỏi Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 10 vừa qua.
Dù vậy, sự thay đổi lập trường sang cứng rắn này của ASEAN dường như đã kết thúc sau khi chức chủ tịch luân phiên của khối này được đổi chủ. Tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hunsen, người vừa nhận chiếc ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN cho năm 2022, cho biết ông sẽ thăm Naypyidaw vào tháng 1/2022 để gặp Tướng Hlaing. Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm này sẽ phục vụ cho việc hợp pháp hóa chính quyền quân sự ở Myanmar.
Ông Farmaner nhận định: “EU đang nhận ra thực tế rằng tiến trình do ASEAN dẫn dắt sẽ chẳng đi đến đâu và họ cần phải chủ động hơn thay vì núp sau ASEAN.”
Trong khi đó, một số quan chức EU vẫn khẳng định rằng không có gì thay đổi. Tuần trước, Borrell bày tỏ ông vẫn tin tưởng vào tiến trình do ASEAN dẫn dắt, trong khi người phát ngôn của EU Stano nói rằng EU “ủng hộ đầy đủ các nỗ lực liên tục của ASEAN và Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN.”
Còn bà Hautala khẳng định ASEAN có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình hình một cách hòa bình “nếu khối này không bị cản trở bởi các chính phủ như Campuchia và Thái Lan đang tìm cách bảo vệ chính quyền quân sự Myanmar.”
Bà kết luận: “Thật là một sự thất vọng lớn nếu chúng ta không thể tin tưởng vào phản ứng do ASEAN dẫn dắt”./.