Vì sao lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lại đang gây lo ngại?

Lợi suất trái phiếu chính phủ cao trong thời gian càng dài thì chi phí trả lãi của chính phủ càng lớn và đó là điều không mong đợi khi nhu cầu tài chính của chính phủ vẫn cao.
Vì sao lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lại đang gây lo ngại? ảnh 1

Các thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang trải qua một đợt tăng mạnh lợi suất mới, trước triển vọng lãi suất sẽ tăng trong thời gian dài hơn.

Tại thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vọt lên mức cao nhất trong 16 năm.

Tại Đức, lợi suất cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2011.

Thậm chí, tại Nhật Bản, với lãi suất vẫn âm, lợi suất cũng quay lại mức của năm 2013.

[Chứng khoán Âu-Mỹ mất đà khi trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất]

Có nhiều lý do để lo ngại khi chi phí đi vay của chính phủ tăng, do điều này tác động đến lãi suất vay thế chấp mua nhà cũng như lãi vay của doanh nghiệp.

Với lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng và nền kinh tế Mỹ vững, các dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đã được điều chỉnh.

Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ hạ lãi suất xuống chỉ 4,7% từ mức 5,25-5,5% hiện nay, so với mức 4,3% theo dự báo hồi cuối tháng Tám.

Điều đó gây thêm lo ngại về triển vọng tài khóa sau khi Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào tháng Tám, do thâm hụt ngân sách cao.

Thâm hụt ngân sách tăng có nghĩa lượng trái phiếu bán ra nhiều hơn, khi các ngân hàng trung ương bán ra số trái phiếu nắm giữ, khiến lợi suất trái phiếu có kỳ hạn dài cao hơn.

Các nhà phân tích không loại trừ khả năng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng từ 4,7% hiện nay lên 5%.

Theo Deutsche Bank, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức trung bình 230 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Tại Đức, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có thể sớm tăng từ mức 2,9% lên 3%.

Lợi suất trái phiếu cho thấy chi phí tài chính của chính phủ. Lợi suất cao trong thời gian càng dài, chi phí trả lãi của chính phủ càng lớn. Đó là điều không mong đợi khi nhu cầu tài chính của chính phủ vẫn cao.

Ở châu Âu, việc các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại sẽ hạn chế khả năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Với thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu tăng mạnh đang bắt đầu gây tác động. Chỉ số S&P 500 giảm gần 7,5% so với mức đỉnh hơn một năm đạt được hồi tháng Bảy.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cũng có nghĩa đồng USD sẽ mạnh lên, gây thêm sức ép lên các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng yen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục