Vì sao ôtô lại không được đưa vào diện giảm thuế giá trị gia tăng?

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng để đạt mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại buổi thảo luận Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải đáp rõ về các thắc mắc của các đại biểu Quốc hội nêu ra như giảm thuế giá trị gia tăng, quyết toán và tồn dư ngân sách…

Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay. Phương án trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.

Với đề xuất đưa ôtô vào diện được giảm thuế VAT 2%, ông Phớc nhìn nhận ôtô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ôtô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp để tăng năng lực cho nền kinh tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

[Bộ Tài chính: 1 triệu tỷ đồng tồn dư ngân sách do chưa giải ngân hết]

Về quyết toán ngân sách, trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn… Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, từ khi có chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đến đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phần thi công xây lắp và phần quyết toán lại nhanh.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại Luật Đầu tư công và cần phải phân cấp mạnh mẽ, khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai dự án từ vốn ODA.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng kiến nghị các chính sách về đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…

Liên quan đến tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quốc hội phê chuẩn, vì vậy không thể lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Chưa kể, Hiến pháp đã quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán, do đó muốn thay đổi cơ cấu chi này phải trình lại với Quốc hội.

Ông cũng cho biết đây là nguồn tạm thời nhàn rỗi do vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân được, ngoài ra còn có tiền tích lũy quỹ tiền lương…

Lý giải tại sao nguồn tồn dư ngân sách không gửi vào ngân hàng thương mại mà gửi vào ngân hàng Nhà nước, ông Phớc cho rằng điều này để bảo đảm an toàn, tránh rủi ro.

Về ý kiến cho rằng mua sắm tập trung, mua sắm phương tiện, sử dụng kinh phí thường xuyên để chi cho mua sắm hiện còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội phản ánh.

“Muốn giải quyết các nút thắt phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật để sửa nhiều luật, dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định, nhưng phải tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt. Có như vậy, các chính sách mới tạo được động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, cộng với các giải pháp đồng bộ khác,” Bộ trưởng Tài chính chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục