Vì sao Triều Tiên vẫn còn chậm chạp trong phi hạt nhân hóa?

Một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là quá ngắn để thấy được tiến triển lớn song thái độ của Bình Nhưỡng khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự nghiêm túc trong phi hạt nhân hóa.
Vì sao Triều Tiên vẫn còn chậm chạp trong phi hạt nhân hóa? ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên trước khi được phá hủy, ngày 24/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai bên đã ký một thỏa thuận bước ngoặt về phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên song từ đó cho tới nay có ít tiến triển trong việc này.

Theo Thời báo Hàn Quốc số ra mới đây, một tháng là quá ngắn để thấy được những tiến triển lớn song thái độ thờ ơ của Bình Nhưỡng đã khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự nghiêm túc trong việc phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un.

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 7 cho thấy rõ sự thay đổi lập trường khó thấy của Triều Tiên. Không giống các chuyến thăm trước đây, Kim Jong-un đã không tiếp ông Mike Pompeo để bàn về các chi tiết liên quan đến thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà hai bên đã nhất trí ngày 12/6.

Các nhà phân tích cho rằng có 2 lý do chính dẫn đến việc vì sao Bình Nhưỡng vẫn lạnh nhạt và không nhiệt tình trong chuyện bàn bạc tiếp để nhanh chóng phi hạt nhân hóa đó là sự phản đối ở trong nước và chiến thuật “câu giờ.”

Lý do thứ nhất, Kim Jong-un có thể đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ trong giới giàu có và quyền lực ở Triều Tiên về việc từ bỏ hoàn toàn các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.

Họ có thể thúc ép Kim Jong-un giữ lại một phần kho vũ khí hạt nhân, hay ít nhất trì hoãn tiến trình phi hạt nhân hóa.

Josephn DeTrani, cựu Đặc phái viên Mỹ tham gia các cuộc đàm phán 6 bên với Triều Tiên, phát biểu với phóng viên tờ Thời báo Hàn Quốc: “Một số cố vấn của Kim Jong-un có thể chủ trương làm chậm tiến trình này.”

[Ông Trump thất vọng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều]

Sự chỉ trích của Bộ Ngoại giao Triều Tiên về lập trường đàm phán của Mỹ là một biểu hiện của những người theo đường lối cứng rắn ở Bình Nhưỡng.

Ngay sau khi Pompeo rời Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố cho rằng lập trường của các quan chức Mỹ là "đáng tiếc" và chỉ trích sự nhấn mạnh tới vũ khí hạt nhân của các quan chức Mỹ.

DeTrani cho rằng những người theo đường lối cứng rắn đang cố gắng thuyết phục Kim Jong-un không từ bỏ vũ khí hạt nhân của chế độ này để đổi lấy sự đảm bảo an ninh, viện trợ phát triển kinh tế và con đường hướng tới quan hệ bình thường với Mỹ.

Ông nói: “Dĩ nhiên, Kim Jong-un đang làm việc với những người ở đất nước của ông ta không chấp nhận rằng họ phải từ bỏ những vũ khí hạt nhân mà họ đã phải chi nhiều tỷ đô la để phát triển ra chúng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu này cho rằng nếu Triều Tiên cố chơi trò “lừa đảo” một lần nữa thì đây sẽ là một sai lầm.

Kim Jong-un nên nhớ rằng nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra đổ vỡ, thì nó sẽ giáng một đòn chí tử vào Tổng thống Trump, một động thái thậm chí sẽ dẫn tới các lệnh trừng phạt hà khắc hơn chống lại chế độ ở Bình Nhưỡng.

Ông nói: “Giờ là lúc Triều Tiên phải có những động thái thông minh thực hiện các thỏa thuận. Việc không thực hiện các điều đó sẽ khích động những người chủ trương quay trở lại chính sách gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên.”

Lý do thứ hai, lập trường nhập nhằng của Triều Tiên có thể được xem là một "chiến thuật trì hoãn" nhằm làm mất đà nỗ lực phi hạt nhân hóa của ông Trump, một chiến lược điển hình mà Bình Nhưỡng đã sử dụng trước đây.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore, Washington đã tìm cách đưa ra khung thời gian chi tiết và khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tiếp theo song Bình Nhưỡng đã tỏ ra không muốn đặt ra thời gian biểu cho tiến trình phi hạt nhân hóa nước này và trì hoãn việc thông báo các cơ sở hạt nhân.

Không may mắn là, dường như chiến lược này của Bình Nhưỡng lại có hiệu quả một lần nữa. Tại cuộc gặp gỡ với các phóng viên ở Nga ngày 17/7, ông Trump nói rằng không việc gì phải vội vàng phi hạt nhân hóa Triều Tiên, một sự thay đổi so với lập trường trước đó của ông kêu gọi phi hạt nhân hóa nhanh chóng.

Các chuyên gia đang bày tỏ mối quan ngại về sự khoan dung của Trump. Sean King, Phó Chủ tịch Viện Chiến lược Park, nói: “Trump rõ ràng vẫn tin tưởng Kim Jong-un, điều đó làm tôi lo ngại chúng ta sẽ nhượng bộ Kim Jong-un thậm chí nhiều hơn lần chúng ta đã làm để duy trì các cuộc đàm phán.”

Vì sao Triều Tiên vẫn còn chậm chạp trong phi hạt nhân hóa? ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: TTXVN)

Liang Tuang Nah, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore, thì nhận định: “Kim Jong-un muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ trong khi từ bỏ càng ít chương trình tên lửa và hạt nhân càng tốt.

Kim Jong-un phải mặc cả để có được thỏa thuận có lợi nhất trong khi đảm bảo rằng Trung Quốc tiếp tục ủng hộ chế độ của ông ta bất chấp các xu thế địa chiến lược đang thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục