[Video] Áo Giao Lĩnh: Ngược dòng lịch sử cùng tinh hoa cổ phục Việt

Vài năm gần đây, cổ phục Việt cách tân bắt đầu trở lại trong cộng đồng giới trẻ với những tên gọi như áo nhật bình, ngũ thân... Tuy nhiên, dáng áo cơ bản, cốt lõi nhất lại có tên gọi: áo Giao Lĩnh.

“Giao Lĩnh” (Lĩnh là từ Hán-Việt có nghĩa cổ áo, nên Giao Lĩnh có nghĩa chiếc áo có phần cổ giao nhau) là một dáng áo cơ bản của cổ phục Việt, sử dụng trong mọi tầng lớp từ vua chúa, quý tộc đến bình dân. Trong cung đình xưa, dáng áo của Vua là Cổn Miện hay của Hoàng Hậu là Địch Y và triều phục của quan lại đều sử dụng dáng áo này.

Áo Giao Lĩnh biến thiên tùy vào văn hóa và khí hậu của nước sở tại. Ở Trung Quốc, Triều Tiên, do đặc điểm khí hậu xứ lạnh, cổ áo được thiết kế cao và khít. Ở Nhật Bản, vì quan niệm gáy là phần đẹp nhất của người phụ nữ nên cổ áo tập trung tôn lên chiếc gáy trần.

Trong khi đó, áo Giao Lĩnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, với một tinh thần phóng khoáng hơn, cổ áo được thiết kế buông thõng giúp người mặc cử động thoải mái.

Áo Giao Lĩnh với đường nét truyền thống đang ngày càng phổ biến tại các sự kiện quan trọng như sự kiện ngoại giao, lễ Tết… Một số bạn trẻ lựa chọn áo Giao Lĩnh làm trang phục cưới thay cho những dáng áo phương Tây phổ thông.

Với xu hướng trở lại may mặc và sở hữu cổ phục, áo Giao Lĩnh dẫu chưa thật sự phổ thông trong đại chúng nhưng cũng đang dần khẳng định vị thế của mình như một trong những dáng áo truyền thống, kết tinh hồn cốt của cổ phục Việt./.

(Vietnam+)