Việc sửa các luật thuế sẽ không làm giảm thu nhiều cho ngân sách

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, việc sửa đổi một số điều của các luật thuế sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến việc' tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Việc sửa các luật thuế sẽ không làm giảm thu nhiều cho ngân sách ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), khả năng tăng thu cho ngân sách nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ việc điều chỉnh lại một số nội dung của dự thảo các luật thuế hiện nay.

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã có một số trao đổi với báo chí về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế mà Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp lần này.

- Xin bà cho biết, việc sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật thuế lần này có những điểm gì mới và tác động của nó như thế nào đối với doanh nghiệp và nền kinh tế?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Theo tôi, dự thảo sửa đổi một số điều của các luật thuế mà Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội lần này có nhiều nội dung đáp ứng được yêu cầu của giới doanh nghiệp và người dân.

Ví dụ như liên quan đến luật thuế giá trị gia tăng, nhiều đại biểu đã kiến nghị không nên đánh thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm phục vụ đầu vào cho nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giới doanh nghiệp, họ cũng rất kỳ vọng chi phí quảng cáo được tính đúng, tính đủ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi lượng tồn kho đang rất nhiều .

Trong báo cáo Chính phủ năm 2014 cũng cho thấy, lượng tồn kho của các doanh nghiệp khoảng 13,4% trong trường hợp như vậy, do vậy việc sửa đổi luật lần này sẽ cho phép phần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp được tính đúng tính đủ cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xúc tiến quảng bá sản phẩm của mình và tăng sức tiêu thụ trên thị trường.

Một điểm mới nữa đó là thuế áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ, có thể thấy nhờ chính sách thuế tốt nên hiện có nhiều dự án rất lớn như của Samsung hoặc Canon đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng quan trọng hơn chúng ta còn có kỳ vọng khác là làm sao để doanh nghiệp nội địa cũng được hưởng lợi từ các chính sách thuế trên để sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, trong việc sửa đổi một số điều của các luật thuế lần này sẽ hướng tới việc áp dụng thuế suất ưu đãi cũng như thời gian ưu đãi thuế cho dự án đầu tư lớn từ 12.000 tỷ đồng trở lên. Báo cáo của Chính phủ, hiện có khoảng 213 dự án có tổng đầu tư lớn, từ 6.000-12.000 tỷ đồng, đó là những dự án hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như: dự án về điện, dự án về hạ tầng, điện khí... đều đáng được khuyến khích.

Tuy nhiên, cũng cần tính toán, nếu lấy tiêu chí của các dự án lớn như Samsung để xác lập ưu đãi về thuế cũng như thời gian miễn giảm về thuế chung thì có thể chưa phù hợp, bởi lẽ các dự án lớn ngoài việc tổng đầu tư lớn cũng cần xác định về mặt công nghệ, yếu tố tác động về kinh tế, chính trị và xã hội như thế nào, quan trọng là làm sao để doanh nghiệp nội địa cũng được hưởng lợi từ những dự án này.

- Vậy ngoài những điểm trên theo bà trong việc sửa đổi lần này còn có vấn đề nào cần bổ sung?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong sửa đổi luật lần này vẫn có những điều khoản tôi cho rằng chưa hợp lý, như đề xuất bỏ đánh thuế thu nhập cá nhân đối với người thắng từ hoạt động casino là không nên vì đây là khoản thu nhập bất thường của người chơi.

Đồng thời dưới góc độ thuế như một công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, rõ ràng việc không đánh thuế thu nhập cá nhân với người được hưởng từ casino sẽ không công bằng, hiện nay, mỗi cán bộ công chức nếu có khoản thu nhập bất thường chúng ta vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Xét ở góc độ khác, nếu không đánh thuế từ casino thì sẽ coi như một sự khuyến khích người chơi casino, thay vào đó, khuyến khích người dân có tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đóng góp trực tiếp cho phát triển xã hội, tạo công ăn việc làm cho xã hội thì sẽ tốt hơn nhiều.

- Có ý kiến cho rằng, các luật sửa đổi về thuế sẽ có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, vậy quan điểm của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Tất nhiên mỗi sự thay đổi chính sách đều có tác động nhất định với đời sống xã hội, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã có phân tích khá rõ. 

Từ báo cáo và phân tích của Chính phủ, có thể thấy rằng, tất cả các chính sách miễn giảm thuế như vậy thì năm 2015 chúng ta vẫn còn có thể tăng thu được 571 tỷ đồng và tăng thêm vào các năm sau đó. Tất nhiên bên cạnh đó còn phải điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biết với các mặt hàng không khuyến khích (ví dụ như rượu, bia, thuốc lá...).

Tổng hợp lại, tất cả việc điều chỉnh các luật thuế hiện nay cũng như một số luật thuế chuyên ngành thì khả năng tăng thu cho ngân sách nhà nước rõ ràng vẫn được củng cố và tăng cường.

Về cơ bản, ngoài một số điều khoản nhỏ, thì cơ bản sẽ đáp ứng được mục tiêu đóng góp làm tăng thu ngân sách, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và thuận lợi hơn.

- Thưa bà, nhiều doanh nghiệp và người dân cho rằng thủ tục nộp thuế còn khó khăn, ý kiến này có được nêu ra trước quốc hội không?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trên thực tế cũng cần nhìn nhận công tâm, tại kỳ họp trước có báo cáo của ngân hàng thế giới (WorldBank) cho rằng, tại Việt Nam phải mất 872 giờ để người dân và doanh nghiệp phải nộp thuế, như vậy theo tiêu chuẩn chung của Asean 6 là chúng ta gấp 6 lần.

Thời điểm hiện nay, với sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính và ngành thuế chúng ta đã giảm được khoảng 200 giờ để kê khai, nộp thuế, tiết kiệm thời gian lớn mà không giảm sự quản lý của nhà nước và điều này đáng được khuyến khích.

Nhưng nếu ngành thuế và Bộ Tài Chính chủ động hơn thì rõ ràng chúng ta phải tiếp tục giảm thời gian nộp thuế cho người dân vì ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, tại sao không tạo điều kiện cho những người nộp thuế cho nhà nước được giảm thủ tục hành chính?

- Xin cảm ơn bà đã tham gia trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục