Viễn cảnh về một thỏa thuận hạt nhân với Iran phiên bản 2.0

Khôi phục niềm tin và lòng tin vào chủ nghĩa đa phương sẽ là một chặng đường dài để đảm bảo mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là các mục tiêu tập trung vào ngoại giao hạt nhân với Iran.
Viễn cảnh về một thỏa thuận hạt nhân với Iran phiên bản 2.0 ảnh 1Lối vào nhà máy điện hạt nhân Natanz, nằm cách thủ đô Tehran, Iran khoảng 270km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, nửa đầu năm 2021 có thể là giai đoạn rất bận rộn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden tại Trung Đông.

Nhà Trắng phải điều hướng lại các “mê cung” địa chính trị và khu vực phức tạp, vốn là “di sản” từ chủ nghĩa đơn phương và chắp vá của chính quyền tiền nhiệm.

Việc ưu tiên những nhu cầu cấp thiết trong nước trước các vấn đề nước ngoài là không đủ. Các khuôn khổ đa phương mà Mỹ đã bỏ rơi trong suốt 4 năm qua tại Trung Đông và các “điểm nóng” tiềm năng khác hiện đã suy yếu.

Khôi phục niềm tin và lòng tin vào chủ nghĩa đa phương sẽ là một chặng đường dài để đảm bảo các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là các mục tiêu tập trung vào ngoại giao hạt nhân với Iran.

Kế hoạch của chính quyền Biden về một thỏa thuận hạt nhân với Iran đã làm chia rẽ các nhà phân tích và các bên có liên quan. Ba trường phái tư tưởng đã xuất hiện: Quay trở lại bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, một “JCPOA+” được sửa đổi hay một thỏa thuận hoàn toàn mới. Trong nhóm P5+1 ban đầu (gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức), phía châu Âu đã khẳng định ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015 như một điểm khởi đầu để nối lại quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, ông Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ tìm kiếm sửa đổi đối với thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và chủ nghĩa phiêu lưu của Tehran trong khu vực, vốn là những lo ngại chung từ các đồng minh Arab vùng Vịnh của Washington.

[IAEA: Iran thông báo sẽ làm giàu uranium tới mức nguy hiểm 20%]

Cuối cùng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thì kêu gọi xây dựng một thỏa thuận hoàn toàn mới, đặc biệt để ngăn chặn Iran tiến tới khả năng sản xuất đủ số urani làm giàu tại các cơ sở hạt nhân của nước này.

Bối cảnh năm 2015 đã khác rất nhiều và các tình thế dẫn đến JCPOA nguyên gốc không còn phù hợp nữa. Không có Hiệp định Abraham nào ngăn cản các cuộc tấn công tên lửa của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran; hay các đòn trả đũa của Tehran sẽ giáng vào các quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có nhiều khả năng cân nhắc lợi ích của riêng mình hơn lợi ích của một liên minh đa phương, do mối quan hệ sâu sắc hơn của họ với Iran.

Trong suốt thời gian qua, chương trình hạt nhân của Iran vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi nước Cộng hòa Hồi giáo phải chịu các lệnh trừng phạt, khiến nó trở nên vô giá trị và không thể trở thành một điểm tựa để thúc đẩy bất kỳ cuộc thảo luận mới nào.

Ngay cả với một nhà lãnh đạo ôn hòa, Iran ước tính đã tích lũy được hơn 2,5 tấn urani được làm giàu ở cấp độ cao. Ngoài ra, việc Washington rút khỏi thỏa thuận năm 2015 đã thúc đẩy những chối bỏ và thiếu minh bạch từ Tehran liên quan đến các cơ sở nghiên cứu hạt nhân mới được xây dựng.

Bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng sẽ tìm kiếm khả năng tiếp cận nhiều hơn với các cơ sở hạt nhân của Iran, giảm một nửa số lượng urani và giới hạn mức làm giàu xuống còn 20%, song có rất ít khả năng một chính phủ Iran do những người theo đường lối cứng rắn lãnh đạo sẽ đồng ý với các điều khoản như vậy.

Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Iran trong năm 2021 và nếu những người theo đường lối cứng rắn giành được nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng hơn, Tehran sẽ theo đuổi những mặc cả cứng rắn hơn nữa, như khôi phục quyền tiếp cận đối với một số tài sản bị “đóng băng” ở nước ngoài để đổi lấy việc quốc gia này thu hẹp tham vọng hạt nhân của mình.

Thật không may, việc cho phép Iran tiếp cận những khoản tiền đó có nguy cơ chuyển hướng Tehran tới các chương trình tên lửa ở Liban và Syria, đặc biệt nếu Washington tìm cách giải quyết chủ nghĩa phiêu lưu trong khu vực của Tehran.

Iran chắc chắn sẽ chịu áp lực nếu Mỹ đưa ra sự hậu thuẫn hào phóng cho chính phủ và quân đội Iraq để loại bỏ ảnh hưởng của Tehran. Ngoài ra, Hiệp định Abraham tạo tiền đề cho sự phát triển cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa trong khu vực nhằm chống lại các vụ phóng tên lửa của Iran từ Yemen, Liban, Syria và Iraq.

Nhìn chung, trong khi bối cảnh, quan điểm và các bên ký kết tiềm năng đã thay đổi, vẫn có cơ hội để chính quyền Biden hoạch định một thỏa thuận hạt nhân mới có thể giống hoặc không giống với phiên bản năm 2015.

Tuy nhiên, trong khi viễn cảnh về khả năng phe theo đuổi đường lối cứng rắn tại Iran giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6/2021 là rất đáng lo ngại, Mỹ vẫn còn một số “dư địa” và đòn bẩy để sử dụng, và do đó không cần vội vàng lao vào một thỏa thuận hạt nhân khác.

Thay vào đó, Washington có thể tìm kiếm một loạt các thỏa thuận tạm thời, ngắn hạn, phạm vi hẹp và ít tốn thời gian đàm phán hơn, nhằm tạo điều kiện xây dựng lòng tin, đặt ra các kỳ vọng thực tế và khuyến khích tham vấn giữa các đồng minh.

Cũng có quan điểm cho rằng chính quyền Biden có thể “không hành động” trong 6 tháng, để có được bức tranh rõ ràng hơn sau khi người Iran lựa chọn xong tổng thống mới.

Điều đó sẽ giúp Mỹ có thêm không gian để tăng cường ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong nước như đại dịch COVID-19, kích thích nền kinh tế và giải quyết phân cực chính trị.

Sau tháng 6/2021, Nhà Trắng sẽ tập trung tham vấn những bên ký kết khác và đồng minh trong khu vực để phát triển khuôn khổ cho các bước đi tăng cường nhằm duy trì đòn bẩy của Mỹ, đồng thời vận động Iran đồng ý thay vì bác bỏ các điều khoản thỏa thuận.

Tuy nhiên, 6 tháng cũng là khoảng thời gian đáng kể đối với sự vận động địa chính trị và việc không có bất kỳ động thái nào từ Mỹ có thể khuyến khích thái độ bất hợp tác của Iran, cũng như khiến những người theo đường lối cứng rắn tìm cách tận dụng thời gian cho đến khi Iran phát triển xong đầu đạn hạt nhân đầu tiên.

Vì vậy, Nhà Trắng phải nhanh chóng hành động để thiết lập các khuôn khổ xung quanh một thỏa thuận cuối cùng, đồng thời tránh bị mắc kẹt vào một khung thời gian quá tham vọng.

Sẽ không dễ dàng để vượt qua “mê cung” ngày càng phức tạp của chính sách ngoại giao hạt nhân, song không giống như với Triều Tiên, Mỹ và Iran có đủ khả năng và cơ hội để đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên có thể chấp nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục