Mất chất Hàn, chả ra Việt

Việt hóa phim Hàn: Cuối cùng thành phim nước nào?

Việt hóa phim Hàn Quốc đang là "xu hướng," song do gượng gạo từ kịch bản đến vai diễn khiến các phim chả ra Hàn cũng không giống Việt.


Chuyện phim truyền hình được Việt hóa từ các kịch bản phim nước ngoài không còn xa lạ với khán giả Việt Nam nhưng từng bộ phim, với sự Việt hóa còn gượng của nó vẫn tiếp tục gây "lạ lẫm." Ấy thế mà, có những thời điểm, như hiện tại, trên kênh truyền hình VTV3 có đến mấy phim Hàn được Việt hóa cùng lên sóng.

Chính bộ phim nước ngoài đã được Việt hóa trong loạt đầu như "Cô gái xấu xí" lại không gây phản cảm như gần đây. Thực tế, trong tình trạng thiếu kịch bản trong nước đủ hấp dẫn thì mua kịch bản ngoại cũng không còn gây tranh cãi. Nhưng cũng chính vì lên sóng rộng rãi mà mỗi kịch bản sẽ hòa được vào với đời sống tinh thần người xem hay không đều hoàn toàn do quá trình Việt hóa.

Không biết chuyện ở đâu?


"Cầu vồng tình yêu" là bộ phim hội tụ nhiều diễn viên giỏi, nhiều gương mặt được yêu mến tuy nhiên phần "chuyển hóa" từ kịch bản Hàn sang kịch bản của ta còn "sượng" nên trở thành một điều đáng tiếc của phim." Vì thực tế có khá nhiều khán giả truyền hình "quen món" phim xứ Hàn nhập khẩu, bỗng bị xem loại phim không ra phim Việt mà cũng không còn là phim Hàn Quốc nữa thì họ cũng ngao ngán.

Theo ông Chu Thơm, tác giả kịch bản nhiều vở kịch được công chúng đón nhận đã nhận xét: "Việt hóa phim nước ngoài rất quan trọng vì nó khiến cho người xem đồng cảm được với nội dung tư tưởng của phim và ngược lại nếu không Việt hóa được thì nghĩa là diễn viên mình thể hiện rất 'phí công' vì không mang đến hiệu quả gì, thậm chí gây rất nhiều khó chịu. Mong sao các nhà làm phim truyền hình đừng quên phim của họ từng tập, từng chi tiết sẽ đến tận 'hang cùng ngõ hẻm' để bà con mọi miền thưởng thức và ít nhiều nhận ra nét tương đồng."

Chị Giang Nga - một khán giả trung thành của giờ vàng phim truyền hình nói: "Càng xem tôi càng không biết chuyện phim 'Cầu vồng tình yêu' xảy ra ở đâu, thuộc dân tộc nào, vào thời đại nào. Nếu đó là nguyên bộ phim Hàn Quốc thì có thể dễ tiếp nhận hơn. Không ở đâu trên đất nước mình lại có câu chuyện phim giống như vậy. Cái chất 'phong kiến' và tôn sùng 'quý tộc' thái quá ấy không giống người Việt mình. Cái dòng họ Hoàng trong phim như ở thời trung đại và cách làm ăn của Hoàng Gia như ở Hồng Kông nên khó có thể thấy ở đâu trong chất người Việt vốn là 'linh hoạt, thiết thực' chứ không khuôn cứng thế."

"Ngoài ra, phản cảm nhất là phim này mở đầu bằng đám tang của 'người cụ' đã rất cao tuổi mà gây chao đảo, đau thương một cách thái quá đến từng đứa chắt. Như chắt Mộc Miên rối trí dầm mưa khi hay tin cụ sắp mất. Mặc dù có ý tuyên truyền cho đạo hiếu nhưng phàn này có vẻ quá xa với văn hóa Việt. Dân tộc ta coi người sống thọ là có phúc và khi quy tiên là về với ông bà tổ tiên chứ không đau thương kiểu như trong phim," chị Nga nói.

Nhiều khán giả cho rằng các chi tiết trong phim hẳn là đã Việt hóa nhưng vẫn thiếu tính thuyết phục khi để nữ cảnh sát khu vực thường xuyên đi xử lý vi phạm giao thông. Và vì thế mà hay "đụng" anh chàng nhà họ Hoàng. Có lẽ phản cảm nhất là đặt ra một gia đình trọc phú có công tử Minh Khang ứng xử bằng đồng tiền, nhìn đời qua sự khinh mạn thái quá.

Đặc biệt bà mẹ của Minh Khang do nghệ sĩ Hương Dung đóng dù rất thành công nhưng lại khiến băn khoăn về việc bêu rếu nguồn gốc từng thu mua đồng nát của gia đình này. Đã có người lập luận, đồng nát thì sao chứ? Người ta hoàn toàn có thể thành đạt và tự hào về sự thành công khi khởi đầu từ lao động cực nhọc, gian nan. Bệnh chung của phim này là Việt hóa chưa hết nên sắc thái đề cao "quý tộc" và hạ thấp người lao động cứ dây dưa ở nhiều chi tiết, nhiều lời thoại.

Tình yêu ngùng ngoằng


Cùng thời gian này, bộ phim "Người mẫu" cũng đang gây thắc mắc cho người xem. Đây cũng là một bộ phim được Việt hóa từ phim Hàn. Có lẽ khán giả thấy bất đồng tình nhất là mối tình tay ba trong phim. Vì đề cập đến thế giới người mẫu vốn là một nghề trẻ ở Việt Nam, lại hội tụ nhiều người trẻ với phong cách giao lưu hội nhập nên phim này không lộ ra những mảng văn hóa truyền thống chưa nhuyễn. Nhưng vấn đề của bộ phim lại là chuyện tình yêu.

Cô giáo Ngô Lan Anh-trường Trung học phổ thông Trần Phú phân tích: "Câu chuyện tình yêu tay ba, tay tư vốn ở đâu cũng có nhưng cứ rắm rối, ngùng ngoằng và dai dẳng thì phải cỡ chuyện tình xứ Hàn. Thế nên để các nhân vật Minh Huy, Duy Thanh và Bình Khôi sống và yêu thiếu sự rõ ràng, dứt khoát khiến người xem thấy rất sốt ruột. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhận thức rõ ràng và giản dị về tình yêu thủy chung, tình bạn chân chính của giới trẻ hiện nay."

Trả lời câu hỏi về quan hệ tình cảm trong phim "Người mẫu" của phóng viên Vietnam+, Phó giáo sư-Tiến sĩ Lê Trường Phát, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã giảng giải: "Từ trong tâm lý người Việt đã có thái độ về chuẩn mực thích sự dứt điểm, rõ ràng. Ca dao đã có những câu: 'Đã yêu thì bảo rằng yêu/ Không yêu thì nói một điều cho xong/ Làm chi dở đục dở trong/ Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư.' Kể dài tập kể hoài về một câu chuyện tình yêu, tình bạn cứ vòng quanh, lẫn lộn tới 5 năm trời mà không có diễn biến hợp quy luật thực tế. Chuyện tình một cô gái hai chàng trai kéo dài quá, khi hai chàng này vẫn giữ tình cảm bạn bè thì sẽ khó tạo đồng cảm với nhiều khán giả người Việt."

Phim "Người mẫu" còn rất nhiều chi tiết gây thắc mắc khiến cho có khán giả không ngần ngại nói: "Phim đó tôi thích tắt tiếng để xem các người mẫu mà thôi. Họ đẹp thật! Cho dù nếu nhìn nhận rõ ràng thì các diễn viên trong phim diễn thành công và ấn tượng nhưng họ lại phải diễn theo một kịch bản hơi lạ lùng."

Anh Vinh, một khán giả ở Hà Nội đưa ra ý kiến: "Lạ quá đi chứ. Khi mà có chuyện người cha ép người phụ việc hiếp con dâu, chấp nhận cháu nội không phải là cháu mình. Ông ta còn nuôi thù hận vì người phụ việc đó đã hại chết con trai mình nhưng lại chấp nhận cho anh ta làm người thân tín suốt mấy chục năm. Mà ông này là người giỏi giang, nhiều tham vọng chứ không phải bị bất bình thường."

Cả hai phim đang còn tiếp tục lên sóng trong tuần, có thể những băn khoăn còn tiếp nối hoặc phần nào được giải đáp nhưng câu chuyện Việt hóa phim chưa khi nào trở nên cần lưu ý như bây giờ. Ngay cả khi tràn trề tin tưởng vào một bộ phim mới khai màn mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam còn tâm sự rằng giá như đó không phải là phim Việt hóa. Nghĩa là cơn khát kịch bản Việt xem ra đã kinh niên. Và bây giờ bài toán Việt hóa phim ngoại phải được giải thỏa đáng mới không phụ lòng người xem.

Theo ông Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: "Muốn điện ảnh và truyền hình Việt Nam có những bước tiến thì phải học tập ở các nền điện ảnh, truyền hình tiên tiến. Là một nước đi trước và có sức bật nên Hàn Quốc rất đáng để chúng ta học hỏi. Chỉ có điều học hỏi khác 'bê nguyên xi.' Chúng ta cần cảnh giác với việc thiếu sự chuyển hóa phù hợp với khán giả của nước mình!"./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục