Việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 29 năm trước (28/7/1995), có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với cả khu vực.
Từ đó quá trình hình thành một tổ chức đầy đủ 10 quốc gia là thành viên đã có những bước tiến hiệu quả và nhanh chóng, cùng hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm, trong suốt chặng đường đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam, đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Qua 3 lần đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN (Ủy ban Thường trực ASEAN giai đoạn 2000-2001), Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020, các nước thành viên cũng như cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những dấu ấn nổi bật của Việt Nam.
Năm 2001, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, chính thức khởi động triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Năm 2010, với mục tiêu đẩy mạnh hiện thực hóa Tầm nhìn của ASEAN thành hành động, nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam đã ghi dấu những quyết định quan trọng như thông qua Kế hoạch Tổng thể đầu tiên về Kết nối ASEAN (MPAC 2015); mở rộng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+).
Năm 2020, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã thúc đẩy Cộng đồng ASEAN gắn bó và ứng phó hữu hiệu, kịp thời trước các thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, giữ vững đoàn kết, duy trì đà liên kết của ASEAN, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân cũng như đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi.
Theo Đại sứ Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương, bên cạnh việc hoàn thành tích cực vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam còn tham gia đóng góp quan trọng vào các quyết sách nhằm định hướng phát triển của ASEAN như thúc đẩy hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội 1998, Tầm nhìn ASEAN 2020 (1997), Tuyên bố Hoà hợp ASEAN (2003) về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN (2007), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (2015) và trong giai đoạn hiện nay là xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2045.
Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương cho biết Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia có tỉ lệ thực hiện các cam kết về liên kết kinh tế khu vực ASEAN cao, đồng thời, là nước tham gia khởi xướng ý tưởng hình thành Cộng đồng Văn hóa-xã hội ASEAN, hướng tới việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa hợp, gắn bó, có bản sắc, lấy người dân làm trung tâm. Cam kết của Việt Nam đối với ASEAN là nhất quán, xuyên suốt.
Trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, Việt Nam đã đảm trách vai trò điều phối viên, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và chuẩn bị tiếp nhận điều phối 2 đối tác là New Zealand và Anh từ sau tháng 7/2024 trong nhiệm kỳ 3 năm.
Mới đây, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ASEAN-Australia (Mebourne, tháng 3/2024) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU (Brussels, tháng 2/2024), thông điệp của Việt Nam đã khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Đề xuất của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia về “ba đột phá”, “ba tăng cường” và “ba cùng” cho quan hệ hai bên được đánh giá là ấn tượng, mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đối tác.
Đặc biệt, Diễn đàn Tương lai ASEAN do Việt Nam tổ chức thành công tại Hà Nội tháng 4 vừa qua đã tạo cơ hội trao đổi giữa các nhóm, giới, về định hướng hợp tác và liên kết khu vực. Điều này đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế và khẳng định năng lực dẫn dắt của Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực.
Việt Nam cũng đã đóng góp nhiều định hướng quan trọng xây dựng các chiến lược hợp tác ASEAN đến năm 2045, trong đó lồng ghép và thúc đẩy nhiều vấn đề như Biển Đông, hợp tác tiểu vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kết nối hạ tầng, thể chế và con người.
Tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, Việt Nam đã nêu một số vấn đề như vận động phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), gỡ bỏ “thẻ vàng” khai thác hải sản bất hợp pháp, không cảnh báo, không theo quy định (IUU), triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thông qua các cơ chế này, Việt Nam đã phối hợp hiệu quả cùng các nước ASEAN thúc đẩy nhiều chương trình, dự án quan trọng, tranh thủ hỗ trợ của các đối tác cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Các hiệp định thương mại nội khối và giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đang được tích cực đàm phán và nâng cấp, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Phái đoàn Hàn Quốc tại ASEAN Lee Jang Keun đã đánh giá cao vai trò điều phối viên ASEAN-Hàn Quốc mà Việt Nam đảm nhận trong 3 năm qua (2021-2024). Đại sứ cho biết, Việt Nam là quốc gia điều phối viên chủ động, tận tâm và đã có những đóng góp to lớn vào sự thúc đẩy hợp tác ASEAN-Hàn Quốc về mọi mặt.
Điểm lại những đóng góp của Việt Nam trong 3 năm qua, Đại sứ Lee Jang Keun nhấn mạnh, trong khuôn khổ các hoạt động điều phối của Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công bố Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI) tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc ở Phnom Penh năm 2022.
Đây là chính sách khu vực đầu tiên của Hàn Quốc được điều chỉnh phù hợp với ASEAN.
Hàn Quốc cũng cam kết đến năm 2027 sẽ tăng mức đóng góp hằng năm vào các quỹ hợp tác liên quan đến ASEAN lên 48 triệu USD, nhằm hỗ trợ thêm nhiều dự án hợp tác được thực hiện trong các nước ASEAN và giữa Hàn Quốc với ASEAN.
Năm 2023, dưới sự điều phối của Việt Nam, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc ở Jakarta, các nhà lãnh đạo ASEAN và tổng thống Hàn Quốc đã thông qua tuyên bố chung về hợp tác Tầm nhìn ASEAN về châu Á-Thái Bình Dương (AOIP).
Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm nay nhân kỷ niệm 35 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác.
Nhìn lại gần ba thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên nỗ lực đóng góp vào sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Những đóng góp của Việt Nam thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt là hòa hiếu, hòa hợp, hữu nghị vì hòa bình, ổn định, phồn vinh chung, vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có vai trò, vị thế ở khu vực và trên thế giới.
Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Diễn đàn Tương lai ASEAN (26/4/2024), một sáng kiến của Việt Nam nhằm tạo ra khuôn khổ đối thoại mới về tương lai phát triển của ASEAN: “Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới”./.
Việt Nam dự Hội nghị SOM ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN
Các nước nhất trí cần phối hợp đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi và hỗ trợ hiệu quả ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.