Nằm yên tĩnh bên con đường nhộn nhịp nhất Phnom Penh, tòa nhà Việt Nam xây tặng Campuchia năm 1991 nay là trụ sở Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia, nơi làm việc của những nhà khoa học hàng đầu xứ Chùa Tháp.
Mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam-Campuchia vẫn hiển hiện nơi đây trong câu chuyện của những Viện sỹ Campuchia.
Vẫn vẹn nguyên tình cảm với Việt Nam
Xúc động kể về những kỷ niệm thời đi học tại Việt Nam những năm 1980 đầy gian khó, nâng niu những bức ảnh chụp cùng các thày cô giáo Việt Nam, tấm bằng Tiến sỹ tốt nghiệp tại Đại học Huế… bà Khlot Thyda, Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia nói: ”Thời gian đã qua đi nhưng tình cảm với Việt Nam của tôi vẫn vẹn nguyên như hồi đi học.”
Ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong tâm trí bà Khlot Thyda bắt đầu từ những người lính tình nguyện đã cứu bà ra khỏi trại tập trung của Khmer Đỏ, nơi mà tri thức cũng có thể là lý do dẫn đến cái chết. Thời gian học tập tại Việt Nam sau đó và sự tận tụy của những bác sỹ Việt Nam chữa bệnh cho cha bà càng vun đắp thêm thiện cảm của bà đối với con người và đất nước Việt Nam.
Sau 4 năm học tập tại Việt Nam (1984-1987), bà trở lại quê hương giảng dạy tại các trường đại học. Năm 1989, bà sang lại Việt Nam để bảo vệ luận án Tiến sỹ Phật học. Những năm tháng học tập tại Việt Nam đã giúp bà những kiến thức cơ sở cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy sau này của bà.
Bà Khlot Thyda tâm sự: “Tôi được học và được mở mang tri thức để làm việc. Cho đến nay, tôi vẫn giữ quan hệ với các giáo viên, bạn bè những người quen cũ ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại, trao đổi công việc và rất quý mến nhau.”
Người lãnh đạo Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia cho biết với tư cách là Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia, bà rất cảm ơn Việt Nam đã và đang giúp đỡ rất nhiều cho sự phát triển của nền khoa học Campuchia. Vào những năm 1979-1980, đội ngũ trí thức tại Campuchia gần như không có, do hậu quả chính sách xóa bỏ trường học, thủ tiêu trí thức của chế độ Khmer Đỏ. Với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Việt Nam, nhiều thanh niên Campuchia được lựa chọn gửi đi học tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, trở thành những hạt nhân cho giới trí thức Campuchia hiện nay. Trong số 14 Viện sỹ Viện Hàn lâm Campuchia hiện nay có tới 4-5 người từng bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình từ những giảng đường của Việt Nam.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia vẫn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác khoa học với các viện của Việt Nam như Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Ngôn ngữ… Hai bên tổ chức họp thường niên, trao đổi cán bộ nghiên cứu tham gia các hội thảo khoa học của nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm như nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, an ninh khu vực… Bà Khlot Thyda nói: “Cả 32 lĩnh vực nghiên cứu trong Viện đều được chúng tôi tham khảo từ Việt Nam. Hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, miễn là có lợi cho nhân dân hai nước. Ngay cả những sách hay về món ăn hay ẩm thực dưỡng sinh Việt Nam chúng tôi cũng dịch ra để giới thiệu tại Campuchia.”
Trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè
Không được học tập, đào tạo tại Việt Nam như vị Viện trưởng của mình, những cảm nhận về Việt Nam trong Viện sỹ Tech Samnang bắt nguồn từ chính lịch sử phát triển của Viện Hàn lâm.
Viện sỹ Tech Samnang cho biết, năm 1999, Viện Hàn lâm quốc gia Campuchia được tái thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Chính phủ về chiến lược phát triển giáo dục, khoa học và quản lý chất lượng các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Cho đến nay, Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia có 6 Viện thành viên, 16 phân ban phụ trách nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học trên 32 lĩnh vực và tất cả đều được sự giúp đỡ của Việt Nam khi thành lập. Khá nhiều trong số 250 cán bộ thuộc Viện Hàn lâm đã tốt nghiệp đại học hoặc làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia đã mở rộng quan hệ với tác với nhiều quốc gia, nhưng theo Viện sỹ Tech Samnang, Viện vẫn mong muốn ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Bởi theo ông, Việt Nam là người bạn không chỉ giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng mà còn giúp Campuchia xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong những ngày đầu gian khó.
Viện sỹ tâm sự: ”Một bằng chứng cụ thể là những tòa nhà này chính là công trình do Việt Nam tặng Campuchia thời kỳ Nhà nước Campuchia (sau năm 1979). Tôi vẫn thường nói với các sinh viên, công trình này tuy không to lớn, hiện đại, nhưng nó là lịch sử và chúng ta vẫn sử dụng tốt. Hãy cảm ơn bạn vì bạn đã giúp chúng ta vào những lúc khó khăn nhất. Quý lắm những tình cảm giúp đỡ của bạn bè trong lúc hoạn nạn, gian nan.”
Cùng chung quan điểm với Viện trưởng Khlot Thyda, Viện sỹ Tech Samnang cho rằng, những nhà khoa học Campuchia cũng như nhân dân Campuchia mong muốn tiếp tục hợp tác trao đổi với Việt Nam. Việt Nam nên truyền lại cho Campuchia những kinh nghiệm tốt, và ngược lại Campuchia cũng sẽ trao đổi với Việt Nam những phát hiện mới của mình. Trong tương lai, giới nghiên cứu khoa học giữa hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác. Bất cứ chủ đề nào có đem lại quyền lợi cho hai nước thì các nhà nghiên cứu, các nhà khoa nên cùng tham gia. Việc tăng cường trao đổi sẽ giúp hai bên thêm hiểu về nhau, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững trong sự hợp tác giữa hai bên.
Ông Tech Samnang hóm hỉnh: ”Sự hợp tác trên cơ sở đoàn kết, thông hiểu về nhau sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Cũng đơn giản như chuyện làm rể Việt Nam của tôi. Chúng tôi gặp nhau ở Nga khi tôi đang theo học ở đó. Tình yêu và sự cảm thông giúp chúng tôi đã vượt qua rào cản khác biệt về ngôn ngữ, phong tục.., để bây giờ có được một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Nhờ cô ấy tôi đã hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn đất nước Việt Nam”./.
Mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam-Campuchia vẫn hiển hiện nơi đây trong câu chuyện của những Viện sỹ Campuchia.
Vẫn vẹn nguyên tình cảm với Việt Nam
Xúc động kể về những kỷ niệm thời đi học tại Việt Nam những năm 1980 đầy gian khó, nâng niu những bức ảnh chụp cùng các thày cô giáo Việt Nam, tấm bằng Tiến sỹ tốt nghiệp tại Đại học Huế… bà Khlot Thyda, Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia nói: ”Thời gian đã qua đi nhưng tình cảm với Việt Nam của tôi vẫn vẹn nguyên như hồi đi học.”
Ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong tâm trí bà Khlot Thyda bắt đầu từ những người lính tình nguyện đã cứu bà ra khỏi trại tập trung của Khmer Đỏ, nơi mà tri thức cũng có thể là lý do dẫn đến cái chết. Thời gian học tập tại Việt Nam sau đó và sự tận tụy của những bác sỹ Việt Nam chữa bệnh cho cha bà càng vun đắp thêm thiện cảm của bà đối với con người và đất nước Việt Nam.
Sau 4 năm học tập tại Việt Nam (1984-1987), bà trở lại quê hương giảng dạy tại các trường đại học. Năm 1989, bà sang lại Việt Nam để bảo vệ luận án Tiến sỹ Phật học. Những năm tháng học tập tại Việt Nam đã giúp bà những kiến thức cơ sở cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy sau này của bà.
Bà Khlot Thyda tâm sự: “Tôi được học và được mở mang tri thức để làm việc. Cho đến nay, tôi vẫn giữ quan hệ với các giáo viên, bạn bè những người quen cũ ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại, trao đổi công việc và rất quý mến nhau.”
Người lãnh đạo Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia cho biết với tư cách là Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia, bà rất cảm ơn Việt Nam đã và đang giúp đỡ rất nhiều cho sự phát triển của nền khoa học Campuchia. Vào những năm 1979-1980, đội ngũ trí thức tại Campuchia gần như không có, do hậu quả chính sách xóa bỏ trường học, thủ tiêu trí thức của chế độ Khmer Đỏ. Với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Việt Nam, nhiều thanh niên Campuchia được lựa chọn gửi đi học tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, trở thành những hạt nhân cho giới trí thức Campuchia hiện nay. Trong số 14 Viện sỹ Viện Hàn lâm Campuchia hiện nay có tới 4-5 người từng bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình từ những giảng đường của Việt Nam.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia vẫn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác khoa học với các viện của Việt Nam như Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Ngôn ngữ… Hai bên tổ chức họp thường niên, trao đổi cán bộ nghiên cứu tham gia các hội thảo khoa học của nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm như nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, an ninh khu vực… Bà Khlot Thyda nói: “Cả 32 lĩnh vực nghiên cứu trong Viện đều được chúng tôi tham khảo từ Việt Nam. Hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, miễn là có lợi cho nhân dân hai nước. Ngay cả những sách hay về món ăn hay ẩm thực dưỡng sinh Việt Nam chúng tôi cũng dịch ra để giới thiệu tại Campuchia.”
Trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè
Không được học tập, đào tạo tại Việt Nam như vị Viện trưởng của mình, những cảm nhận về Việt Nam trong Viện sỹ Tech Samnang bắt nguồn từ chính lịch sử phát triển của Viện Hàn lâm.
Viện sỹ Tech Samnang cho biết, năm 1999, Viện Hàn lâm quốc gia Campuchia được tái thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Chính phủ về chiến lược phát triển giáo dục, khoa học và quản lý chất lượng các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Cho đến nay, Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia có 6 Viện thành viên, 16 phân ban phụ trách nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học trên 32 lĩnh vực và tất cả đều được sự giúp đỡ của Việt Nam khi thành lập. Khá nhiều trong số 250 cán bộ thuộc Viện Hàn lâm đã tốt nghiệp đại học hoặc làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam.
Hiện nay, Viện Hàn lâm Quốc gia Campuchia đã mở rộng quan hệ với tác với nhiều quốc gia, nhưng theo Viện sỹ Tech Samnang, Viện vẫn mong muốn ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Bởi theo ông, Việt Nam là người bạn không chỉ giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng mà còn giúp Campuchia xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong những ngày đầu gian khó.
Viện sỹ tâm sự: ”Một bằng chứng cụ thể là những tòa nhà này chính là công trình do Việt Nam tặng Campuchia thời kỳ Nhà nước Campuchia (sau năm 1979). Tôi vẫn thường nói với các sinh viên, công trình này tuy không to lớn, hiện đại, nhưng nó là lịch sử và chúng ta vẫn sử dụng tốt. Hãy cảm ơn bạn vì bạn đã giúp chúng ta vào những lúc khó khăn nhất. Quý lắm những tình cảm giúp đỡ của bạn bè trong lúc hoạn nạn, gian nan.”
Cùng chung quan điểm với Viện trưởng Khlot Thyda, Viện sỹ Tech Samnang cho rằng, những nhà khoa học Campuchia cũng như nhân dân Campuchia mong muốn tiếp tục hợp tác trao đổi với Việt Nam. Việt Nam nên truyền lại cho Campuchia những kinh nghiệm tốt, và ngược lại Campuchia cũng sẽ trao đổi với Việt Nam những phát hiện mới của mình. Trong tương lai, giới nghiên cứu khoa học giữa hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác. Bất cứ chủ đề nào có đem lại quyền lợi cho hai nước thì các nhà nghiên cứu, các nhà khoa nên cùng tham gia. Việc tăng cường trao đổi sẽ giúp hai bên thêm hiểu về nhau, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững trong sự hợp tác giữa hai bên.
Ông Tech Samnang hóm hỉnh: ”Sự hợp tác trên cơ sở đoàn kết, thông hiểu về nhau sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Cũng đơn giản như chuyện làm rể Việt Nam của tôi. Chúng tôi gặp nhau ở Nga khi tôi đang theo học ở đó. Tình yêu và sự cảm thông giúp chúng tôi đã vượt qua rào cản khác biệt về ngôn ngữ, phong tục.., để bây giờ có được một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Nhờ cô ấy tôi đã hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn đất nước Việt Nam”./.
Xuân Khu/Phnom Penh (Vietnam+)