Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam, làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, xâm nhập mặn...
Vì vậy, việc quản lý tài nguyên nước phải gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, cơ chế thu hút đầu tư từ các tổ chức cá nhân, xã hội hóa ngành nước... hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, về “Chủ động Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, Tăng cường Quản lý Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường."
Thực thi pháp luật tài nguyên nước còn hạn chế
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, đến nay, đã có hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn phổ biến dẫn đến việc thực thi chấp hành pháp luật tài nguyên nước còn hạn chế.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan Trung ương đã thực hiện 31 cuộc thanh, kiểm tra tài nguyên nước đối với 206 cơ sở khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố. Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác, sử dụng nước như chưa có giấy phép, khai thác vượt quy định giấy phép; không thực hiện quan trắc giám sát theo quy định của giấy phép.
Ở cấp địa phương, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 10 năm qua, các địa phương đã triển khai gần 3.000 cuộc thanh, kiểm tra về tài nguyên nước đối với gần 19.000 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; qua đó, phát hiện và xử lý hơn 1.500 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt gần 59 tỷ đồng.
[Cần bổ sung những quy định trong quản lý tài nguyên nước]
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm trên là do các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước chưa thực sự rõ ràng. Việc quản lý các dòng sông, tầng chứa nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống hậu quả do nước gây ra và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp chưa được quy định một cách hệ thống, còn thiếu hoặc chưa đầy đủ để giải quyết các vấn đề thực tế. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân; giá trị tài nguyên nước chưa được tính toán, hạch toán đầy đủ.
Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật, đối tượng, phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan; công tác quy hoạch tài nguyên nước triển khai còn chậm, chưa kịp thời; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước cũng chưa đầy đủ; nhận thức của chính quyền, các tổ chức, cá nhân, người dân về vai trò của tài nguyên nước và việc thực thi chấp hành pháp Luật Tài nguyên Nước còn hạn chế.
Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng Việt Nam cần hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên Nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước; đồng thời, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Trước mắt, Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ tích cực tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) chất lượng, trong đó, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đặc biệt là, nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rà soát các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan; từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thay thế để đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản, tránh chồng chéo. Cùng với đó, hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hướng bền vững.
Việt Nam chủ động kế hoạch sử dụng nước trên sông xuyên biên giới trên cơ sở giám sát, hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, vận hành khai thác nguồn nước; cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.
Mặt khác, các cấp Trung ương và địa phương cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác. Đặc biệt, tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước trong thu gom, xử lý nước thải và thoát nước; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ; vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia./.