Luật Tài nguyên Nước phải đảm bảo được về an ninh nguồn nước

Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) đòi hỏi cần phải có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước.
Luật Tài nguyên Nước phải đảm bảo được về an ninh nguồn nước ảnh 1Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) phải đảm bảo được về an ninh nguồn nước cũng như có quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến việc chủ động tích nước, điều tiết đảm bảo đủ nước và cấp nước sinh hoạt cho đời sống và sản xuất; tái sử dụng tuần hoàn nước.

Mặt khác, luật cũng cần làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp tài nguyên nước, chế tài xử lý vi phạm, các hành vi bị nghiêm cấm; đánh giá trữ lượng nước, quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước...

Cần có cơ chế điều hòa, phân phối tài nguyên nước

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, việc xin phép và việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước là khác nhau về trình tự, thủ tục, mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên dự thảo luật cần quy định cụ thể các trường hợp này.

Đối với việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền, ông Tú chỉ ra dự thảo luật mới chỉ liệt kê chung mà chưa rõ quy định cụ thể thẩm quyền cơ quan ở Trung ương hay ở địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu Tú đề nghị ban soạn thảo luật cần đánh giá tác động kỹ, nhất là tác động đối với lĩnh vực nông nghiệp, đối với chi phí, thu nhập của nông dân, chi phí xã hội và hết sức cân nhắc khi dự thảo luật mở rộng việc thu tiền, cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong trường hợp khai thác nước để phục vụ hoạt động nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt.

[Cần tư duy, tầm nhìn mới khi sửa đổi Luật Tài nguyên Nước]

Muốn thực hiện được việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiệu quả trên thực tế, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng ngoài việc phải quy định về nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như dự thảo luật thì vấn đề về đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy định này cũng phải được hết sức quan tâm.

“Các chính sách cần có mối liên kết chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau. Các quy định của Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu đảm bảo thực hiện bởi các nguồn lực thiết yếu từ các chính sách như là chiến lược về quy hoạch đầu tư, về vấn đề xây dựng, bố trí và phân bổ vốn phù hợp, kịp thời,” bà Thủy nói.

Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đánh giá quản lý tài nguyên nước là quản lý đa ngành, tổng hợp, nhiều yếu tố, nguyên nhân gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước liên quan đến rất nhiều ngành như quá trình đô thị hóa, phá rừng, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, nước thải công nghiệp, sản xuất, kinh doanh dịch vụ,…

Luật Tài nguyên Nước phải đảm bảo được về an ninh nguồn nước ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Tráng A Dương phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Vì thế, ông Dương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo vệ, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nước để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Khẳng định vấn đề khó khăn trong việc phục hồi các dòng sông chết đó là đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong đó ngân sách Nhà nước không có khả năng bố trí đủ, đại biểu Dương cho rằng cần nghiên cứu để quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông.

Ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy định tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.

Quan tâm đến vấn đề tích trữ nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước để đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước, đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho hay những năm gần đây, khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các hồ chứa thủy điện đã tham gia khá tích cực vào việc tích trữ nước và xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước. Vậy nên chăng dự thảo cần quy định rõ hoạt động tích trữ nước của các hồ chứa thủy điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ hay không?

[Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm an ninh tài nguyên nước]

Ngoài ra, nữ đại biểu này cũng cho rằng trong trường hợp cần yêu cầu huy động và các hồ chứa thủy điện tích trữ nước hoặc xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất hạ du mà ảnh hưởng đến lợi ích phát triển của đơn vị thì nên nghiên cứu, xem xét chế độ đền bù hoặc chia sẻ lợi ích cho các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện để đảm bảo tính công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Luật Tài nguyên Nước phải đảm bảo được về an ninh nguồn nước ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quả quyết nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận và bất biến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc khai thác, sử dụng nước thời gian qua nhiều khi chưa quan tâm đúng mức đến tiết kiệm, hiệu quả, gắn khai thác, sử dụng với việc bảo vệ nguồn nước và hành lang nguồn nước khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh, cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu Nga cũng lưu ý đến việc sụt giảm đến mức báo động về trữ lượng nước do nhiều nguyên nhân cũng đòi hỏi phải có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục