Việt Nam có nhiều sáng kiến đóng góp cho NAM

Việt Nam đã có những hoạt động tích cực, phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào không liên kết.
Nhân dịp dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 16 và hội nghị kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Không liên kết (NAM) vừa được tổ chức tại Indonesia, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn TTXVN về vai trò cũng như thách thức của NAM sau 50 năm hoạt động và sự đóng góp của Việt Nam vào tổ chức này.

Thứ trưởng cho biết cách đây vừa tròn 50 năm, NAM đã ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Các nước độc lập non trẻ có sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng, chế độ chính trị-xã hội và lợi ích dân tộc, nhưng có chung đặc điểm đều bị thực dân đô hộ và có nền kinh tế kém phát triển.

Để tránh bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, các nước này có nhu cầu đoàn kết trong một tập hợp lực lượng rộng rãi giúp nhau giữ gìn độc lập, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hòa bình thế giới để tồn tại và phát triển.

Chính nguyện vọng thiết tha đó đã khai sinh ra Phong trào NAM và được phản ánh trong Tuyên bố chính thức của Hội nghị Cấp cao đầu tiên của Phong trào tại Beograd (Nam Tư cũ) vào tháng 9/1961.

Nhìn lại 50 năm qua, có thể thấy NAM là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và đấu tranh thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới. Những mục tiêu và nguyên tắc cao cả của NAM từ ngày đầu thành lập nay đã trở thành những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế hiện đại và cũng là nguồn sức mạnh giúp Phong trào vượt qua nhiều thử thách, trong đó phải kể đến các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, tăng cường hữu nghị, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy chặng đường phát triển của Phong trào không phải lúc nào cũng bằng phẳng và luôn có cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng chính: một bên là khuynh hướng tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng hợp tác với các lực lượng hòa bình và dân chủ đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề cơ bản của thời đại và một bên là một số xu hướng do dự, cơ hội, chịu tác động của các thế lực bên ngoài muốn lôi kéo, lái Phong trào đi chệch mục tiêu cơ bản làm suy yếu Phong trào.

Kể từ Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 14 tại Havana (Cuba) năm 2006, các nước thành viên NAM đã nỗ lực khẳng định lại các mục đích, nguyên tắc cơ bản của Phong trào, đề ra các định hướng, ưu tiên hoạt động trong giai đoạn hiện tại cũng như cho nhiều năm tới. Phong trào đang nỗ lực tăng cường đoàn kết thống nhất về vai trò, phương pháp làm việc cũng như hợp tác theo hướng thực chất về kinh tế, văn hóa, y tế... thông qua cơ chế tham khảo thường xuyên tại các diễn đàn đa phương.

Qua đây, các nước NAM và các nước đang phát triển đã và đang xây dựng lập trường chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển. Việc Phong trào liên tục có thêm thành viên mới, tăng từ 108 kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ 10 năm 1992 lên 120 thành viên ngày nay, thể hiện sức sống, sự hấp dẫn của Phong trào. Sức mạnh của NAM chính là số lượng thành viên, chiếm gần 2/3 thành viên của Liên hợp quốc.

Trong giai đoạn sắp tới, tình hình thế giới và các khu vực sẽ tiếp tục biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp hành động để giải quyết những thách thức chung. Hơn lúc nào hết, các nước thành viên NAM trông đợi Phong trào sẽ đề ra các biện pháp tăng cường sự đoàn kết, tính năng động và vai trò của NAM trong quan hệ quốc tế, phối hợp trong các diễn đàn đa phương về chính trị cũng như kinh tế và các vấn đề toàn cầu khác, phấn đấu vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn, đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển.

Nhận định về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam đối với NAM thời gian qua nói chung và tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 16 của Phong trào vừa diễn ra tại Indonesia nói riêng, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho biết cuộc kháng chiến kiên cường, anh dũng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược của Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.

Chính bằng tấm gương và thắng lợi của sự nghiệp chống chiến tranh xâm lược của đế quốc, thực dân, Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp thiết thực vào các mục tiêu và nguyên tắc của Phong trào. Việt Nam cùng các nước mới giành được độc lập ở châu Á và châu Phi đã tham dự Hội nghị Á-Phi ở Bandung (Indonesia) năm 1955 và đề ra 10 nguyên tắc Bandung nổi tiếng, tiền đề của Phong trào NAM sau này.

Từ khi nước Việt Nam thống nhất và trở thành thành viên chính thức của NAM vào năm 1976, Việt Nam đã có những hoạt động tích cực, phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực phấn đấu vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam luôn coi hoạt động đóng góp cho NAM là một bộ phận quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước.

Trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2008-2009), Việt Nam có nhiều sáng kiến được các nước NAM đánh giá cao, đặc biệt là việc lấy ý kiến đóng góp của các nước thành viên cho Báo cáo hoạt động năm của Hội đồng Bảo an, được hoan nghênh và phản ánh trong Văn kiện cuối cùng của Hội nghị Cấp cao NAM-15 tại Ai Cập (tháng 7/2009).

Trong những năm gần đây, với những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, Việt Nam được bạn bè trong Phong trào đánh giá cao và trông đợi sẽ có thêm những đóng góp thiết thực đối với sự nghiệp chung của Phong trào.

Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công tốt đẹp, đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ hết sức quan trọng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước về cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có việc thực hiện đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đây là những tiền đề thuận lợi để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp và tham gia thực chất hơn tại các diễn đàn đa phương nói chung và Phong trào Không liên kết nói riêng.

Trên tinh thần đó, đoàn Việt Nam đã tham dự và có nhiều đóng góp xây dựng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 16 và Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NAM tại Indonesia từ ngày 24-27/5 vừa qua.

Với chủ đề “Tầm nhìn chung về đóng góp của NAM trong 50 năm tới,” hội nghị tại Indonesia có ý nghĩa thiết thực nhằm kiểm điểm 50 năm hoạt động của Phong trào và định hướng cho thời gian tới, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, vị trí của Phong trào trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước NAM, các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các cuộc xung đột.

Hội nghị đã thông qua nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có Văn kiện Cuối cùng, Tuyên bố kỷ niệm 50 năm thành lập NAM, Tuyên bố về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, và Tuyên bố về vấn đề tù nhân chính trị Palestine.

Tại hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương; chống các chính sách cường quyền, áp đặt, chủ nghĩa bảo hộ; phấn đấu xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh và các quan hệ hợp tác bình đẳng.

Về phương hướng thời gian tới, chúng ta cho rằng Phong trào cần chủ động, nâng cao tiếng nói trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế lớn như cải tổ Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, thúc đẩy vòng đàm phán Doha, ứng phó với các cuộc khủng hoảng, thách thức toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục