Ngày 14/1, trang mạng eurasiantimes.com của Ấn Độ dẫn báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh cho rằng Việt Nam đánh bại Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn ở châu Á.
Theo trang này, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất mới, chi phí thấp trong chuỗi cung ứng châu Á.
Việt Nam có được vị thế đáng ghen tị trong số các nước châu Á như hiện nay là nhờ những yếu tố như chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chi phí lao động thấp và sự “nở rộ” các hiệp định thương mại tự do, trong đó gần đây nhất là Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo báo cáo của EIU, Việt Nam nổi lên như một cơ sở sản xuất chi phí thấp, đánh bại Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiểm soát ngoại thương và hối đoái.
Trong khi Việt Nam đạt 6 trên thang điểm 10 trong chính sách FDI thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đạt 5,5 điểm. Tương tự, Ấn Độ chỉ đạt 5,5 điểm về kiểm soát ngoại thương và hối đoái, trong khi Việt Nam đạt 7,3 và Trung Quốc 6,4.
Chiến lược gia Ruchir Sharma chuyên về thị trường mới nổi tại Morgan Stanley cho rằng FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, đây là tỷ lệ cao nhất ở bất kỳ nước mới nổi nào.
Điều có lợi cho Việt Nam là các chính sách luôn thay đổi theo nhu cầu thị trường. Chính những biến động mạnh mẽ trong môi trường đầu tư và kinh doanh đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với FDI. Ngoài ra, sự ổn định chính trị-xã hội và cơ cấu dân số đã giúp Việt Nam giành được niềm tin của các nhà đầu tư.
[Năm 2020 kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới]
Đối với thị trường lao động, điểm của Việt Nam là 5,6, so với 5,4 của Ấn Độ. Tuy nhiên, về khía cạnh này, Trung Quốc đạt điểm hơn cả Ấn Độ và Việt Nam với 5,7.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có mức thâm hụt cơ sở hạ tầng lớn. Về mặt này, New Delhi lại đạt điểm thấp hơn Hà Nội (3 so với 3,5 trên thang điểm 10).
Trong báo cáo đối với 14 quốc gia ở châu Á, EIU nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tăng cường khuyến khích doanh nghiệp quốc tế với các ưu đãi đầu tư, “song các mối liên kết cung ứng trong các ngành sản xuất tiên tiến hơn sẽ còn hạn chế trong thập kỷ tới.”
Mức lương trong ngành sản xuất không đòi hỏi kỹ năng cao ở Việt Nam sẽ vẫn cạnh tranh trong nhiều năm tới, dù tình trạng khan hiếm lao động chuyên môn hóa vẫn tạo bất lợi của môi trường kinh doanh.
Báo cáo giải thích Ấn Độ phù hợp để trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo trong khu vực sau khi các công ty bắt đầu tách khỏi Trung Quốc. Chính vì chi phí lao động ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn sau năm 2013 nên đã dẫn đến việc giảm nguồn vốn FDI và phân bổ sang các nước châu Á khác.
Báo cáo của EIU nêu rõ: “Việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do cho thấy điểm mạnh của quan hệ thương mại, giảm chi phí xuất khẩu.”
Hiệp định thương mại tự do gần đây giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại lợi ích cho Việt Nam khi EU dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trong năm 2020.
Báo cáo của EIU cũng nêu rõ các công ty sản xuất giày dép ở Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ FTA. Khoảng 40% hàng xuất khẩu sang EU thuộc nhóm hàng này, vốn đang phải chịu mức thuế 30%, được giảm xuống 0% từ tháng 8/2020.
Ngành dệt may Việt Nam, đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ trong phân khúc này, cũng sẽ được hưởng lợi lớn.
Việt Nam cũng là một thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc chi phối và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) liên quan đến 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản.
Theo thống kê, từ tháng 1-4/2020, Việt Nam có mức FDI đăng ký hơn 12 tỷ USD. Theo Vietnam Briefing, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đến tháng 9/2020, Việt Nam thu hút được 21,20 tỷ USD, tương đương 81,1% so với cùng kỳ năm trước./.