Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh quảng bá Năm Du lịch Tây Bắc tại thị trường 10 nước ASEAN nhằm giới thiệu các điểm đến hấp dẫn mang đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số, du lịch mạo hiểm khám phá rừng núi, du lịch sinh thái... vốn là thế mạnh của khu vực này.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) đang diễn ra tại Singapore (16-20/1), ngành du lịch Việt Nam đã giới thiệu những thông tin mới nhất về du lịch Việt Nam, về những chính sách phát triển du lịch... cùng với những sản phẩm du lịch mới như quảng bá các điểm đến gắn với chủ đề của Năm Du lịch Tây Bắc.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Thái Lan đã ký chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2018 nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch giữa hai nước nói riêng cũng như xúc tiến khách du lịch từ nước thứ ba. Ngoài việc tăng cường trao đổi thông tin thì hai bên cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các chương trình quảng bá phát động thị trường du lịch, đào tạo nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác. Đây chính là nền tảng để Việt Nam đưa các chương trình tour mới của vùng Tây Bắc đến với khách du lịch Thái Lan nói riêng và các quốc gia khác trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul, một trong những vấn đề quan trọng của ngành du lịch đó chính là con số thống kê và đây cũng là lĩnh vực mà hiện Việt Nam đang làm rất tốt.
Bà Kobkarn Wattanavrangkul nhấn mạnh dựa trên các con số thống kê lượng khách mà các công ty du lịch có thể xây dựng kế hoạch và chiến lược cho từng thị trường. Bên cạnh đó thì việc sử dụng công nghệ số hay mạng truyền thông xã hội trong tình hình hiện nay cũng là một đòi hỏi bức thiết mà những người làm du lịch cần phải biết tận dụng để nắm được nhu cầu của khách hàng và mở rộng thị trường.
Trong khi đó, ông Đồng Hoàng Thịnh, Giám đốc Công ty Du lịch Đông Travel, chia sẻ đây cũng chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp làm du lịch hiện nay đang hết sức quan tâm, bởi trong thời đại bùng nổ công nghệ số và truyền thông xã hội đang chiếm lĩnh hầu hết các mặt trong đời sống xã hội thì việc mua các sản phẩm du lịch trực tuyến ngày càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Theo ông Đồng Hoàng Thịnh, để giúp các công ty du lịch "sống lại" trong thời kỳ công nghệ số, công ty đã đưa ra thị trường một ứng dụng mới chạy trên nền tảng điện toán đám mây. Trên cơ sở đó, thông qua tên miền riêng các doanh nghiệp có thể sử dụng ứng dụng này để bán các sản phẩm du lịch tới khách hàng.
Đặc biệt, năm 2017 gắn với sự kiện 50 năm thành lập ASEAN, ngành du lịch các nước cũng đã và đang gấp rút đưa ra những chiến dịch quảng bá mới để mời gọi du khách và Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội này chuẩn bị những sản phẩm mới, thông qua Ban Thư ký ASEAN và Tiểu ban Du lịch để tích hợp lên trang web của ASEAN nhằm giới thiệu và quảng bá chung tới khách du lịch trong nội vùng cũng như các khu vực khác ở trên thế giới.
Ngay tại Triển lãm thường niên TRAVEX 2017 diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn ATF, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết rất nhiều đối tác quan tâm tới thị trường và sản phẩm du lịch của Việt Nam và hy vọng trong thời gian tới chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn nữa. Các đối tác đặc biệt hoan nghênh quyết định miễn thị thực cho khách du lịch của Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng đây là điều kiện tốt để các hãng lữ hành và du lịch quốc tế tiếp tục gửi khách đến Việt Nam trong thời gian tới./.