Việt Nam đề cao vai trò của công tác xã hội trong ứng phó với COVID-19

Điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm để bảo vệ cho mọi người lao động, gồm cả các đối tượng yếu thế đang là ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia khi ứng phó với COVID-19.
Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cao vai trò của các nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh phải ứng phó với những thách thức lớn như đại dịch COVID-19.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 diễn ra trực tuyến tổ chức hôm nay, 10/9, do nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia chủ trì.

Hội nghị có sự tham dự của các quốc gia thành viên G20 và các tổ chức quốc tế như  Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới. Việt Nam được mời tham dự trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN. 

Với vai trò đại diện nước Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ASEAN và Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 như: Chung tay hợp tác ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với lao động và việc làm; thúc đẩy xã hội chăm sóc và chia sẻ thông qua việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; trong đó nhấn mạnh tác động của thay đổi công nghệ, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đối với vấn đề lao động, việc làm và đề ra những hành động để chuẩn bị cho lực lượng lao động ASEAN trước thế giới công việc đang đổi thay.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng nhằm hỗ trợ những người lao động và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

“Căn cứ diễn biến và tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam có thể ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, đồng thời hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về mặt xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động. Nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động, dự báo trong năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Việt Nam đề cao vai trò của công tác xã hội trong ứng phó với COVID-19 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ASEAN và Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tại hội nghị, các Bộ trưởng phụ trách lao động và việc làm G20 đã nhấn mạnh hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện được các ưu tiên năm 2020 của khối: Điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội để phản ánh các phương thức làm việc đang thay đổi; chuẩn bị tốt hơn cho thanh niên đổi để bắt đầu bước vào giai đoạn đi làm; điều chỉnh chính sách về thị trường lao động căn cứ vào những đổi thay về hành vi cùa các chủ thể trên thị trường lao động; các vấn đề liên quan tới việc làm cho phụ nữ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ và hỗ trợ các nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ và thanh thiếu niên, đồng thời nhận diện tác động và cơ hội do công nghệ mang lại và chuẩn bị cho những triển vọng tích cực của tương lai việc làm.

[G20 cam kết hỗ trợ hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19]

Hội nghị cũng được nghe báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế về tác động của COVID-19 đối với thị trường lao động toàn cầu. Các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 cam kết cùng nhau nỗ lực để vượt qua đại dịch COVID-19, giải quyết các tác động đan xen về y tế, kinh tế-xã hội và bảo vệ công ăn việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt là lao động nữ.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 “Hiện thực hóa các Cơ hội trong Thế kỷ 21 cho tất cả mọi người” trong đó nhấn mạnh các nước sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch COVID-19, đảm bảo rằng các nỗ lực phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ đặt tăng trưởng bền vững và việc làm có chất lượng làm ưu tiên; điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm để bảo vệ cho mọi người lao động, bao gồm cả các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những lao động trong khu vực phi chính thức.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 cũng tập trung thực hiện các biện pháp để đạt được Mục tiêu Thanh niên Antalya là giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống 15% vào năm 2025 và giảm khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia của phụ nữ và nam giới trong G20 vào năm 2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục