Việt Nam đề xuất ba sáng kiến tại AIPA-30

Tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 30, VN đề xuất ba sáng kiến trong cuộc họp của các Ủy ban.
Ngày 5/8, tại thành phố Pattaya, Thái Lan, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 30 (AIPA-30) bước sang ngày làm việc thứ hai.

Các ủy ban chuyên đề như Ủy ban các vấn đề chính trị, Ủy ban các vấn đề kinh tế, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban các vấn đề tổ chức,... đã họp và bàn thảo nhiều vấn đề thiết thực đối với sự phát triển của khu vực.

Tại các cuộc họp của các Ủy ban chuyên đề, Việt Nam đã đề xuất ba sáng kiến: Vai trò của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN; vai trò quan trọng của các nghị viện thành viên trong việc hỗ trợ chính phủ các nước thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng, thu hẹp khoảng cách phát triển, bằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách pháp luật; thúc đẩy thực hiện để đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ vì an ninh con người bền vững.

Tại Ủy ban các vấn đề chính trị, các nghị sĩ khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của nghị viện các nước thành viên AIPA với tư cách là cơ quan lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, trong việc đưa Hiến chương ASEAN đến với người dân, giúp người dân hiểu và tích cực thực hiện các mục tiêu mà Hiến chương ASEAN đã đề ra, nhằm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng thịnh vượng và bền vững.

Các nghị sĩ AIPA cũng nhấn mạnh rằng cần tăng cường dân chủ và thúc đẩy quyền con người, bảo đảm cho người dân các nước có đầy đủ cơ hội để phát triển.

Việc triển khai thực hiện các mục tiêu chung của ASEAN đều nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân cải thiện cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn,... và nghị viện các nước thành viên AIPA có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu này.

Các nghị sĩ cũng đã trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh khu vực và thế giới, đối thoại giữa các tín ngưỡng khác nhau về các giải pháp giải quyết xung đột...

Tại Ủy ban các vấn đề kinh tế, các nghị sĩ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.

Các nghị sĩ cũng đã trao đổi về nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên để ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, giảm thiểu tác động xấu đối với khu vực.

Tại Ủy ban các vấn đề xã hội, các nghị sĩ thảo luận về việc xây dựng bản sắc ASEAN; các vấn đề y tế và xã hội phát sinh do nhập cư; hài hòa hóa pháp luật về việc bắt giữ và tịch thu tài sản trong các vụ buôn bán ma túy, kiểm soát hóa chất và tiền chất; quản lý thiên tai; hợp tác lập pháp nhằm đấu tranh chống buôn bán người; phấn đấu đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vì sự bền vững của an ninh con người; xây dựng một cộng đồng ASEAN lành mạnh.

Tại Ủy ban các vấn đề tổ chức, các nghị sĩ đã xem xét các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của Ban Thư ký AIPA trong tài khóa 2008-2009, dự toán Ngân sách của Ban Thư ký AIPA cho tài khóa 2009-2010, Báo cáo Hội thảo AIPA tăng cường hợp tác nghị viện về bồi dưỡng đại biểu dân cử, đánh giá sự tham gia của AIPA vào các hoạt động của ASEAN và dự toán ngân sách khi thực thi Hiến chương ASEAN, xem xét thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA-31.

Cùng ngày, các đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA đã tiến hành đối thoại với các quan sát viên với chủ đề: Vai trò của các quan sát viên hướng tới Cộng đồng ASEAN.

Các nghị sĩ đã cùng trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình chính trị, an ninh khu vực và thế giới; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nước ngoài; an ninh con người, xã hội khỏe mạnh, y tế cộng đồng và các nguy cơ do các bệnh truyền nhiễm gây ra; môi trường và phát triển bền vững; công nghệ thông tin.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp ông Tra Bồi Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc, nhân dịp dự AIPA-30 tại Thái Lan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định mong muốn của Quốc hội Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai Quốc hội, góp phần vào sự phát triển chung của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ mong muốn thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động Quốc hội, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội; hai Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh, Quốc hội Trung Quốc hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ với Quốc hội Việt Nam, cũng như mong muốn tăng cường quan hệ với AIPA; trân trọng chuyển lời mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA-31, dẫn đầu đoàn đại biểu AIPA sang thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc ghi nhận những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước; cho rằng hai nước còn có khả năng mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; mong muốn hai Quốc hội tăng cường hợp tác, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm lập pháp, giám sát tối cao, nâng cao năng lực cũng như vai trò của các đại biểu Quốc hội trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Canada-Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Canada, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Canada, ngài Bryon Wilfert.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Canada mong muốn các quan sát viên đóng góp tích cực hơn nữa vào các hoạt động của AIPA, khẳng định Canada coi trọng quan hệ với Việt Nam, tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước nhận viện trợ của Canada, mong muốn tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa hai Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của Canada đối với Việt Nam, mong muốn Canada tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, đặc biệt tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn Canada hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội, tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động Quốc hội, góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước.

Bên lề Đại hội đồng AIPA-30, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ, tiếp xúc song phương với đại diện nhiều đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA như: Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia, Malaysia,... và đại diện các quan sát viên, các bên đối thoại của AIPA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục