Việt Nam - điểm đến đầu tư mới cho ngành sản xuất hàng điện tử

Trang EMSNow.com đưa tin khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tái định vị để trở thành nền kinh tế thống lĩnh trong ngành công nghiệp vi điện tử toàn cầu.
Việt Nam - điểm đến đầu tư mới cho ngành sản xuất hàng điện tử ảnh 1Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trang EMSNow.com chuyên về  lĩnh vực sản xuất điện tử  ngày 4/3 đăng bài đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam đạt được thành công này phần lớn nhờ trở thành điểm đến đầu tư của một loạt “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử.

Theo bài viết, kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi Mới vào những năm 1980, công nghiệp nhẹ chiếm ưu thế trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tái định vị để trở thành nền kinh tế thống lĩnh trong ngành công nghiệp vi điện tử toàn cầu.

Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng là nền kinh tế xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện lớn thứ 4 sang Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi trong 4 năm qua và hiện đã vượt 19 tỷ USD, hơn cả Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu và mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu.

Việt Nam ngày càng thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử nhằm đa dạng hóa đầu tư vốn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thập kỷ qua.

Trong số những doanh nghiệp đi đầu, không thể không kể đến Samsung với việc thiết lập nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên trị giá 670 triệu USD ở Bắc Ninh năm 2008. Chỉ trong vòng một thập kỷ, Samsung đã nâng mức đầu tư ở Việt Nam lên 17,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn Hàn Quốc này là nhà đóng góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Việt Nam và chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhờ Samsung, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.

Cũng trong khoảng thời gian này, Tập đoàn Intel của Mỹ khai trương cơ sở lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn trị giá 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh, giúp Việt Nam có bước tiến vững chắc trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư lớn như LG, Panasonic và Foxconn cũng sớm tiếp bước.

Những nhà đầu tư tiên phong này nhận thấy Việt Nam có sức hấp dẫn nhờ một số lý do.
Điểm mấu chốt trong số những lý do này là mức chi trả nhân công thấp và cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi - điều mà Liên hợp quốc gọi là cơ cấu “dân số vàng”, mang lại “cơ hội duy nhất một lần để Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội.”

Các công ty cũng bị thu hút với việc Việt Nam có ngày càng nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA), gồm Khu vực thương mại tự do ASEAN, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA EU-Việt Nam (EVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Dù Việt Nam chưa có FTA với Mỹ, song khảo sát khu vực hàng năm của AmCham Singapore liên tục xác định Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất trong ASEAN với tư cách đối tác FTA song phương tiềm năng với Mỹ.

Một số nguồn tin cũng cho hay công ty như Apple, Nintendo và Dell đang khuyến khích các nhà cung cấp chuyển một phần chuỗi cung ứng tới Việt Nam. Các nhà cung ứng đang làm theo, gồm Compal Ele ctronics, GoerTek, HZO, Inventec, Luxshare Precision Industry, Pegatron, USI và Wistron, những công ty này đã công bố kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, các cơ sở sản xuất vi điện tử tập trung ở một số địa điểm. Về phía Nam, khu công nghệ cao Sài Gòn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm thu hút Intel và Samsung và các công ty như Nidec và Jabil sẽ sớm theo gót.

Tuy nhiên, vốn đầu tư lớn nhất là ở các tỉnh phía Bắc giáp Hà Nội. Bắc Ninh, chỉ cách Hà Nội 1 giờ đi đường, là địa điểm đầu tư đầu tiên của Samsung và tiếp đó là thu hút Foxconn và Canon.

Việt Nam - điểm đến đầu tư mới cho ngành sản xuất hàng điện tử ảnh 2Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án (tăng thêm 750 triệu USD) thuộc Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Mới đây, thành phố cảng Hải Phòng cũng đã trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của các công ty. Hải Phòng có vị trí gần các cụm sản xuất khác, cảng nước sâu mới và đường cao tốc đóng vai trò là tuyến đường bộ kéo dài 12 giờ đồng hồ đến trung tâm đồ điện tử của Trung Quốc ở Thâm Quyến, các yếu tố này đang giúp Hải Phòng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao mới của Việt Nam.

Dù đại dịch COVID-19 đã làm giảm tốc độ đầu tư mới vào ngành vi điện tử của Việt Nam, nhưng cũng làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn bùng phát dịch bệnh thông qua các biện pháp kiểm dịch tích cực và truy tìm nguồn gốc tiếp xúc và kết quả là, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tươi sáng nhất trong khu vực.

Trang EMSNow.com nhấn mạnh Việt Nam đã ứng phó thành công với đại dịch COVID-19. Việc này kết hợp với các yếu tố như vị trí chiến lược, nhân công thấp và các hiệp định thương mại nước ngoài… sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến mới cho ngành sản xuất điện tử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục