Việt Nam hướng tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Hiện nay, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang lấy mẫu xét nghiệm theo dõi điều trị HIV cho một bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang lấy mẫu xét nghiệm theo dõi điều trị HIV cho một bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong nhiều năm qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá như là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS Thế giới.

Nhân ngày Phòng chống HIV/AIDS, Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh công tác phòng chống dịch bệnh này tại Việt Nam hiện nay.

- Cục trưởng có thể cho biết tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV.

Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.

Trong 9 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (47%) và 30-39 (28%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49%) và đối tượng khác (31%).

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47% năm 2010 xuống còn 6,4% năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47% năm 2010 lên 84% năm 2022 và 75% vào năm 2023.

bà HƯƠNG.jpg
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ lệ HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%), có xu hướng ổn định trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).

- Bà có thể cho biết kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và những khó khăn, thách thức hiện nay là gì?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện.

Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa.

Về công tác điều trị HIV/AIDS: Hiện cả nước có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV thông qua bảo hiểm y tế. Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV; trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Ngành y tế đang mở rộng điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.

Tính đến nay, đã có 219 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) của cả nhà nước và tư nhân tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 60.020 khách hàng (đạt 109% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng vào năm 2023).

Như chúng ta đã biết, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Trong công tác về tài chính vẫn còn có khó khăn khi một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và chưa phê duyệt định mức chi chương trình mục tiêu y tế.

- Bà có thể cho biết tại sao năm 2023 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Việc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” muốn nhắc nhở chúng ta rằng phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi. Bởi, hiện nay tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi.

Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa. Cộng đồng ở đây bao gồm các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.

- Với mục tiêu chấm dứt bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, định hướng về cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS trong thời gian tới là gì, thưa bà?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Với phương châm “lấy người bệnh là trung tâm,” công tác điều trị HIV được định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS.

Đó là việc điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng; cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh HIV qua bảo hiểm y tế bao gồm các xét nghiệm và cấp thuốc cho bệnh nhân.

Đặc biệt, ngành y tế đang đẩy mạnh tăng cường công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV đưa họ vào điều trị HIV và quản điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.

Công tác điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV… cũng sẽ được đẩy mạnh và mở rộng.

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngành y tế phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Đó là định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục