Việt Nam khẳng định trách nhiệm về bảo vệ trẻ em

Ngày 16/6, Đại sứ Bùi Thế Giang nhắc lại quan điểm của Nhà nước Việt Nam về việc bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang.
Ngày 16/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ em” để thảo luận Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về “Trẻ em và xung đột vũ trang.”

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhắc lại quan điểm của Nhà nước Việt Nam về việc bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang cần được xem như một bộ phận cấu thành của chiến lược phòng ngừa xung đột, giải quyết các vấn đề đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

Sau khi ghi nhận hiệu quả của cơ chế giám sát và báo cáo, theo Đại sứ Bùi Thế Giang, cần tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Bảo an với Đại Hội đồng và Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc cũng như giữa các phái bộ chính trị, gìn giữ hòa bình với các cơ quan chức năng liên quan của Liên hợp quốc.

Đại sứ đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Liên hợp quốc trong việc bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang; hoan nghênh việc ngày càng nhiều quốc gia lồng ghép mục tiêu bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em vào chiến lược và kế hoạch phát triển, thông qua các văn bản pháp luật mới nhằm ngăn ngừa và nghiêm cấm các vi phạm nghiêm trọng đối với quyền trẻ em.

Đại sứ ghi nhận việc có thêm nhiều bên xung đột đã tham gia xây dựng chương trình hành động nhằm đưa trẻ em ra khỏi lực lượng chiến đấu, chấm dứt tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em.

Tháng 7/2008, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cũng chủ trì cuộc thảo luận mở về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang.

Cũng tại phiên thảo luận này, nhiều quan chức cao cấp của Liên hợp quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an phải có các biện pháp trừng phạt việc lạm dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, như phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí, cấm đi lại đối với lãnh đạo các nhóm vũ trang và các lực lượng quân sự có hành vi tuyển dụng trẻ em làm quân lính, lạm dụng tình dục, gây thương tích hoặc sát hại trẻ em trong các cuộc xung đột.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Radhika Coomaraswamy cho biết báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang được công bố hồi tháng Năm đã xác định 16 nhóm nổi dậy và lực lượng vũ trang ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh có hành vi tuyển dụng và sử dụng trẻ em làm quân lính trong 5 năm qua.

Ông Atul Khare, trợ lý Tổng Thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng cho rằng việc giải quyết vấn đề lạm dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang cần phải được thực hiện ở tất cả các cấp độ.

Ông thông báo bộ phận cố vấn bảo vệ trẻ em đã được thành lập ở 9 phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Hilde Johnson cho rằng cần có các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn cũng như tăng cường thu thập các chứng cứ cụ thể để buộc các nhóm vi phạm phải chịu trách nhiệm và đưa ra xét xử.

Tuần trước, sáu nước châu Phi là Cameroon, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Niger, Nigeria và Sudan đã cam kết sẽ chấm dứt việc tuyển dụng trẻ em làm binh lính và bảo vệ trẻ em theo các tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp ước về quyền trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục