Việt Nam ký Lời kêu gọi hành động trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Hải Vân
“Lời kêu gọi hành động trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ” do Mỹ khởi xướng khẳng định vai trò chủ đạo của phụ nữ đối với sự ổn định và thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN phát)
Ngày 23/10, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã thay mặt Việt Nam tham gia ký “Lời kêu gọi hành động trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ” do Mỹ khởi xướng.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, văn bản kêu gọi thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản; khẳng định vai trò chủ đạo của phụ nữ đối với sự ổn định và thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để đạt được mục tiêu này, Lời kêu gọi cho rằng cần giải quyết rào cản pháp luật, bảo đảm quyền con người, tăng cường đầu tư nhằm thu hẹp khoảng cách giới, chia sẻ trách nhiệm gia đình với phụ nữ, thúc đẩy khả năng và cơ hội tiếp cận thị trường việc làm cho phụ nữ, hành động chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Các thể chế liên quan đến trao quyền cho phụ nữ ở các cấp quốc tế, khu vực, quốc gia cũng cần được hỗ trợ.
Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm trao quyền cho phụ nữ và cam kết thực hiện, lồng ghép đầy đủ các nội dung này ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Hiện ở Việt Nam, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và lập pháp, thậm chí còn giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch nước.
Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam chiếm gần 25% số đại biểu quốc hội, 48,8% lực lượng lao động và 25% số lãnh đạo doanh nghiệp.
Đại sứ nhấn mạnh nhiều nữ lãnh đạo, doanh nhân thành đạt, đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đại sứ tin tưởng Lời kêu gọi này sẽ tạo ra động lực mới cho việc trao quyền cho phụ nữ trong các hoạt động kinh tế.
Mỹ khởi xướng lời kêu gọi trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và 20 năm thực hiện chương trình Phụ nữ, hòa bình, an ninh.
Ngoài Việt Nam, các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia ký còn có Maroc, Malaysia, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Colombia, Hàn Quốc, Cote d’Ivoire, Rwanda, Papua New Guinea, San Marino, Qatar, Bhutan, Cabo Verde, Albania, Estonia, quốc đảo Marshall, Tunisia, Hungary, Brazil, Anh, Afghanistan, Ấn Độ và Nhật Bản./.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới.
Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN, có nhiều doanh nhân nổi tiếng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước.
Nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương túc trực 24 giờ trong ngày. Họ được trang bị những kỹ năng cần thiết giải quyết với những thông tin nhạy cảm liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong số khoảng 800.000 doanh nghiệp, chiếm 25%.