Việt Nam, Lào và Campuchia cùng tập huấn giáo dục

Các nhà giáo dục của Việt Nam, Lào, Campuchia cùng các chuyên gia Pháp thảo luận, tập huấn về phương pháp giáo dục "Bàn tay nặn bột".
Hội thảo-tập huấn lần thứ 4 về phương pháp giáo dục "Bàn tay nặn bột" với sự tham gia của các nhà giáo dục thuộc ba nước khu vực Đông Nam Á là Lào, Việt Nam và Campuchia đã được khai mạc sáng nay, ngày 25/9/2013, tại Hà Nội.

Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hội gặp gỡ Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức và sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 27/9.

Tham dự hội thảo có các cục, vụ, viện, các trường đại học cao đẳng các địa phương của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và một số giảng viên Pháp. Các giảng viên này sẽ hỗ trợ để đào tạo các chuyên gia cốt cán cho mỗi nước.

Cụ thể, lớp tập huấn sẽ góp phần nâng cao năng lực thiết kế, phân tích và tiến trình dạy học theo tư tưởng Bàn tay nặn bột cũng như năng lực thiết kế các khóa đào tạo của các chuyên gia giảng viên của Lào, Campuchia và Việt Nam.

Hội thảo cũng là dịp để chuyên gia 3 nước trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau và phát triển mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới chuyên gia của khu vực.

Tại hội thảo, các chuyên gia 3 nước khu vực Đông Nam Á sẽ giới thiệu một tình huống dạy học theo tiến trình tìm tòi, nghiên cứu (mục tiêu, thiết bị, tiến trình), thảo luận về giờ học (tiến trình, tình huống xuất phát, kỹ thuật của giáo viên, các năng lực được phát triển, kiến thức xây dựng), các tình huống đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, nhóm các chuyên gia Campuchia cũng sẽ giới thiệu các công cụ sư phạm được sử dụng tại Campuchia. Các chuyên gia cũng tới dự giờ một bài học tại trường Phổ thông cơ sở Thực nghiệm.

Phương pháp "Bàn tay nặn bột" là phương pháp dạy học khoa học dựa trên cơ sở của sự tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp này được khởi xướng tại Pháp bởi Giáo sư Georges Charpak (Giải Nobel Vật lý năm 1992).

Theo đó, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh và phân tích, tổng hợp kiến thức.

Mục tiêu của phương pháp này là tạo tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp này còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho người học.

"Bàn tay nặn bột" đã được vận dụng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục khoa học không chỉ ở Pháp mà ở rất nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, phương pháp giáp dục này đã được đưa vào nhờ các hoạt động giới thiệu và tổ chức tập huấn của Giáo sư Trần Thanh Vân và Tổ chức gặp gỡ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Nhận thấy lợi ích của phương pháp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định triển khai thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2011 và đã chính thức triển khai đại trà ở cấp tiểu học và trung học cơ sở từ năm học 2013-2014. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã và đang đào tạo một số thạc sỹ về phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột"./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục