Việt Nam sẽ là cầu nối hợp tác ASEAN và CICA

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và CICA.
Trả lời phỏng vấn báo chí về “Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á”(CICA) và việc Việt Nam tham gia CICA, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và CICA.

- Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA)? Diễn đàn này có vai trò thế nào trong phát triển hợp tác ở khu vực châu Á?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường: Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) được thành lập năm 1992 nhằm lập ra một diễn đàn mở ở châu Á để trao đổi việc giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến hoà bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

CICA hiện có 22 nước thành viên, chiếm gần 90% diện tích châu Á (Afghanistan, Azerbaijan, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Pakistan, Palestine, Hàn Quốc, Nga, Tajikistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Uzbekistan và Việt Nam), ba tổ chức và sáu nước quan sát viên là Liên hợp quốc, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, Liên đoàn các quốc gia Arập, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Qatar, Ukraine, Mỹ.

CICA có quy chế quan sát viên tại Liên hợp quốc từ tháng 12/2007.
 
Là diễn đàn mở để đối thoại, tham vấn và thông qua các quyết định về các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Á trên cơ sở đồng thuận với sự tham gia rộng rãi của các nước, trong đó có các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, cùng với các nước quan sát viên có vai trò quan trọng như Mỹ, Nhật..., CICA đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp nỗ lực chung ứng phó với các thách thức đe dọa an ninh khu vực và có tiếng nói ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực.

CICA đề cao cách thức tiếp cận tập thể đối với các vấn đề an ninh, coi các biện pháp củng cố lòng tin là phương tiện để bảo đảm an ninh khu vực.

Năm 2004, CICA đã thông qua Danh mục các biện pháp củng cố lòng tin trong 5 lĩnh vực kinh tế, môi trường, con người, ứng phó với những thách thức và mối đe dọa mới và chính trị-quân sự. Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, buôn bán ma túy là một trong những ưu tiên của CICA.

CICA cũng đề cao vai trò của đối thoại giữa các nền văn minh nhằm tăng cường hiểu biết, tôn trọng và khoan dung lẫn nhau, đồng thời duy trì sự đa dạng về văn hóa.
 
Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường đối thoại, hợp tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu, CICA sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở châu Á và trên thế giới.
 
- Xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia của Việt Nam vào Diễn đàn CICA? Việt Nam cần làm gì để nâng cao vị trí và vai trò của mình tại CICA?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam tham gia Diễn đàn CICA từ năm 1993 với tư cách khách mời, sau đó là quan sát viên. Tại các hội nghị chính thức và các kỳ họp của các Ủy ban của CICA, Việt Nam cử đại diện tham dự.
 
Trong chuyến thăm chính thức Kazakhstan tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo cho Tổng thống Kazakhstan, Chủ tịch đương nhiệm CICA, về việc Việt Nam quyết định tham gia CICA với tư cách thành viên chính thức.

Ngày 8/6/2010, tại Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên chính thức của CICA.
 
Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và CICA, thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.

Đồng thời, tham gia CICA Việt Nam có điều kiện mở rộng các kênh đối thoại, tiếp xúc với các nước thành viên CICA. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phuơng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam.
 
Trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và CICA vì lợi ích hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục