Việt Nam tạo ấn tượng đặc biệt với thí sinh dự thi Olympic Hóa học

Sự tiếp đón và chuẩn bị chu đáo cho cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2014 của nước chủ nhà Việt Nam đã tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Việt Nam tạo ấn tượng đặc biệt với thí sinh dự thi Olympic Hóa học ảnh 1Các thí sinh tham quan nhà dài Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học. (Ảnh: Bảo Thoa/TTXVN)

Những ngày này, đoàn học sinh gần 300 em đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đang có mặt tại Việt Nam để tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46.

Các nhà khoa học trẻ đến từ các quốc gia khác nhau, có tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục và ngôn ngữ khác nhau nhưng cùng chung một mong ước - dành hết sức mình cho nghiên cứu Hóa học.

Đến với thủ đô Hà Nội, các em không chỉ tranh tài tại một cuộc thi Hóa học đỉnh cao mà còn có dịp tìm hiểu về đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ấn tượng với con người Việt Nam

Đa số các thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2014 lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng khi được hỏi, các em đều dành những lời tốt đẹp đối với Ban tổ chức cuộc thi cũng như về đất nước, con người Việt Nam.

Sự tiếp đón và chuẩn bị chu đáo cho cuộc thi của nước chủ nhà đã tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế. Mọi điều kiện ăn ở, vui chơi đến dự thi đều rất tuyệt vời - đó là nhận xét của rất nhiều thí sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Đến từ đất nước Bỉ và cũng là lần đầu tiên Alexis Warnier và Pieter Cardinael đặt chân đến Việt Nam. Trước thềm một kỳ thi vô cùng quan trọng, hai em đều cảm nhận rõ sự hồi hộp và không khí cạnh tranh giữa các thí sinh.

Tuy nhiên, với những hoạt động “sạc năng lượng” vô cùng bổ ích mà Ban Tổ chức nước chủ nhà Việt Nam đã sắp xếp, gần 300 thí sinh dường như đã trở thành người một nhà thân thiết, vui vẻ và cởi mở vô cùng.

Cảm nhận về thời gian một tuần ở Việt Nam, Karol Rzad, thí sinh Ba Lan cho biết em không cảm thấy nhớ nhà nhiều vì bên cạnh luôn có sự quan tâm của các bạn tình nguyện viên và mọi người trong Ban Tổ chức.

Đặc biệt, Karol vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được đến thăm Lăng Bác. "Nếu có dịp, em cũng rất muốn đưa gia đình mình đến thăm Hà Nội xinh đẹp và đến viếng Lăng Bác," Karol Rzad chia sẻ.

Đối với Theodor Lundberg, thí sinh của đoàn Đan Mạch, ấn tượng nhất với em về Hà Nội chính là con người. Mọi người thân thiện, luôn cười nói vui vẻ mặc dù họ không hiểu chúng em nói gì. Đồ ăn thì quá ngon, lạ miệng và có những món em mới được ăn lần đầu tiên trong đời, ví dụ như phở.

Theodor cũng bày tỏ cảm xúc của mình khi được đến thăm Lăng Bác và khu nhà ở của Người. Em cho biết tất cả mọi thứ, em đều chỉ được xem rất sơ sài thông qua một vài hình ảnh trên tivi, Internet. Nhưng hôm nay, khi được tận mắt nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng em có một cảm xúc vô cùng khó tả và muôn phần kính trọng Người.

Edgars Kletnieks, thí sinh đến từ Latvia cũng cho biết cảm thấy rất vui và thoải mái. "Em dường như không cảm thấy một chút áp lực nào trước ngày thi. Các em đã chuẩn bị kiến thức sẵn sàng, trong khi đó, Ban Tổ chức có rất nhiều hoạt động ngoại khóa khiến tinh thần chúng em vô cùng tốt. Em khá ấn tượng với buổi giao lưu gặp gỡ các bạn học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam. Các bạn rất xinh đẹp, năng động và giỏi giang. Các bạn nữ múa đẹp và mặc áo dài cực kì duyên dáng."

Thích thú với những điểm đến

Nugzar Lekiashvili, đại diện cho đội tuyển quốc gia Georgia thích thú cho biết trong chuỗi hoạt động ngoại khóa ở Việt Nam, em thích nhất là được đến làng cổ Bát Tràng, được nặn đồ gốm. Em có nặn được một chiếc cốc, tuy không đẹp lắm nhưng sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa cho mẹ vì chính tay em đã làm ra nó.

Nugzar cũng bày tỏ sự ngạc nhiên của mình đối với giao thông ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều xe máy, đường phố rất đông đúc, điều đó cho thấy người Việt Nam lái xe rất giỏi. Em mong sẽ có một người bạn Việt Nam dạy em đi xe máy và em sẽ thử lái xe khi nào đường phố Việt Nam bị tắc nghẽn.

Edgars, thí sinh đến từ Latvia, cũng chia sẻ sự quan tâm của em về những địa điểm thú vị mà em được tham quan. Em đã đến Văn Miếu, Lăng Bác Hồ, làng gốm Bát Tràng, nhưng em thích nhất là Bảo tàng Dân tộc học. Ở đó có rất nhiều điều mới lạ về các dân tộc trên đất nước Việt Nam để em có thể khám phá và hiểu sâu sắc hơn...

Với thời gian một tuần trải nghiệm tại Việt Nam, có thể nói, Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 không chỉ giúp đưa khoa học đến với giới trẻ Việt Nam mà còn đưa hình ảnh Việt Nam thêm rộng mở với bạn bè khắp thế giới.

Đúng như lời của ông Peter Wothers, Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế, đến Việt Nam, không chỉ có Hóa học, các thí sinh còn được tận hưởng “hương vị của cuộc sống,” “hương vị Việt Nam”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục