Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Đông Nam Á

Tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Vladivostok đã vận chuyển được khoảng 20.000 TEU (container 20 feet) với đặc điểm hiếm thấy là lượng hàng hóa vận tải hai chiều cân bằng nhau.
Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Đông Nam Á ảnh 1Ông German Maslov, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận tàu và hậu cần của Tập đoàn Vận tải Đường biển FESCO trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại LB Nga. (Ảnh: Lê Quang Vinh/TTXVN)

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế phương Đông 2023 (EEF 2023) đang diễn ra ở Vladivostosk, Liên bang Nga, phóng viên TTXVN tại Nga đã phỏng vấn ông German Maslov, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận tàu và logistics của Tập đoàn Vận tải Đường biển FESCO.

Đây là doanh nghiệp năm 2022 đã đưa vào vận hành tuyến vận tải đường biển trực tiếp giữa Việt Nam với cảng Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga, mở ra Cửa sổ phương Đông cho hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường Nga.

Trong cuộc phỏng vấn, Phó Chủ tịch Maslov cho biết tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Vladivostok được đưa vào hoạt động từ năm ngoái. Ban đầu, tuyến này chỉ sử dụng 1 tàu, nhưng từ tháng 7 năm nay đã có 3 tàu container hoạt động với tần suất 1 chuyến/tuần.

Như vậy, thời gian vận chuyển từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng đến Vladivostosk hoặc ngược lại được rút ngắn từ 10-12 ngày xuống còn 7-8 ngày.

[Tăng cường hợp tác thương mại Việt Nam-Nga qua cảng Vladivostok]

Tuyến vận tải này đang hoạt động rất tốt, đã vận chuyển được khoảng 20.000 TEU (container 20 feet) với đặc điểm hiếm thấy là lượng hàng hóa vận tải hai chiều cân bằng nhau.

Trong số 20.000 TEU này, khoảng 2.000 TEU là các container được chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á - Malaysia, Indonesia và các nước khác - qua Việt Nam.

Như vậy, có thể nói FESCO đã biến cảng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các nước Đông Nam Á đến Vladivostok.

Đề cập đến các kế hoạch sắp tới của FESCO, ông Maslov cho biết tập đoàn mới đưa vào vận hành tuyến vận tải trực tiếp nối các thành phố của Trung Quốc với St. Petersburg ở Đông Bắc nước Nga, đi qua kênh đào Suez, với 6 tàu mới, trọng tải mỗi tàu 2.500 TEU.

Như vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua tuyến này để vận tải hàng hóa tới St. Petersburg qua các cảng của Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Maslov khẳng định hiện FESCO không gặp trở ngại nào trong việc tăng năng lực vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Vladivostok. FESCO cũng hợp tác rất chặt chẽ với Tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD) và các doanh nghiệp khác để hàng hóa từ Việt Nam có thể nhanh chóng được chuyển đến các khu vực của Nga.

Ngoài ra, FESCO cũng đã lập văn phòng ở Việt Nam để đơn giản hóa và đẩy nhanh hoạt động chuyên chở hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục