Liên kết, hợp tác phát triển dịch vụ logistics với khu vực và quốc tế

Với vị trí địa lý thuận lợi và sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành logistics, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực logistics của khu vực cũng như thế giới.
Liên kết, hợp tác phát triển dịch vụ logistics với khu vực và quốc tế ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chào mừng Hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 14/7, tại thành phố Đà Nẵng, Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đã tổ chức Hội nghị Thường niên Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FIATA RAP).

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, đại diện các hiệp hội và hơn 300 doanh nghiệp lĩnh vực logistics quốc tế và Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đây là một sự kiện đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự hợp tác đầu tư, kinh doanh và chia sẻ kiến thức, cùng nhau hướng tới tương lai cho ngành dịch vụ logistics và giao nhận vận tải châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và quốc tế nói chung.

Việt Nam sẽ đồng hành cùng các đối tác, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại-dịch vụ; trong đó, chú trọng đến hợp tác phát triển dịch vụ logistics đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các nước lên tầm cao mới, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nước trong khu vực.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khẳng định chuỗi sự kiện là điểm nhấn của ngành logistics và vận tải tại châu Á; là nơi thảo luận về các xu hướng mới nhất và phương pháp hay nhất trong lĩnh vực giao nhận vận tải vào năm 2023.

Trong khi FIATA RAP trao đổi về những vấn đề quan trọng của sự phát triển logistics khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị AFFA sẽ tập hợp các nhà giao nhận vận tải hàng đầu từ châu Á tập trung bàn bạc vào những thách thức, xu hướng mới cũng như yêu cầu về phát triển bền vững trong khu vực.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố.

[Sớm đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực]

Cùng đó, thành phố cũng đang triển khai việc xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng...

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang thực hiện hiệu quả việc kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cản trở việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; trong đó, có phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp cùng đồng hành với thành phố trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng nói chung.

Liên kết, hợp tác phát triển dịch vụ logistics với khu vực và quốc tế ảnh 2Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngoài các chương trình nghị sự quan trọng, nhiều hoạt động bên lề được tổ chức trong khuôn khổ thời gian sự kiện nhằm kết nối giao lưu doanh nghiệp trong và ngoài nước như: đối thoại giữa hơn 100 doanh nghiệp; lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp; các gian hàng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm của doanh nghiệp… đã tạo ra cơ hội phát triển của các doanh nghiệp logistics Vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam bày tỏ vui mừng khi có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác và học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics của thế giới, mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh.

Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ về xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực, Công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics đã giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng thực tiễn vào hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đồng thời, giúp tăng cường tính kết nối, tình hữu nghị và đoàn kết giữa tất cả các thành viên của cộng đồng giao nhận vận tải, logistics và thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và của toàn cầu nói chung.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Vận tải Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FIATA RAP) Yukki Nugrahawan Hanafi, hiện nay chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau dịch bệnh COVID-19, hội nghị góp phần kết nối các quốc gia với quốc gia, doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Với vị trí địa lý thuận lợi và sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành logistics, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực logistics của khu vực cũng như thế giới.

Vì vậy, Việt Nam đã được chọn làm nơi tổ chức hội nghị lần này hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ giữa Việt Nam với các hiệp hội, doanh nghiệp logistics quốc tế trong thời gian tới.

Tại phiên họp buổi chiều ngày 14/7, các đại biểu sẽ cùng thảo luận các nội dung quan trọng như Hành trình Số của FIATA: Phát triển nhà giao nhận vận tải số; vai trò của Trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây; chương trình đào tạo hàng hóa hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN với tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%.

Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục