Việt Nam ủng hộ nỗ lực gắn kết hệ thống LHQ

Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng dự thảo nghị quyết "Gắn kết toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc" là một cơ sở tốt cho việc thương lượng.
Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 16/4 tổ chức phiên họp tham vấn không chính thức về vấn đề “Gắn kết toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc” nhằm chuẩn bị cho tiến trình thương lượng về một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng văn bản dự thảo nghị quyết hiện nay là một cơ sở tốt cho việc thương lượng.

Đại sứ đặc biệt lưu ý đến một số điểm như các ý kiến phong phú của các nước thành viên cần được phản ánh đầy đủ hơn trong dự thảo; tiến trình thương lượng cần được đẩy nhanh hơn nhằm sớm hoàn tất và thông qua nghị quyết, song cần tránh áp đặt một khung thời gian cứng nhắc.

Đồng thời, Đại sứ Bùi Thế Giang cũng lưu ý các nước cần ủng hộ việc thành lập một cơ cấu tổng hợp về giới do một Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đứng đầu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bốn cơ cấu hiện nay nhằm đảm bảo hiệu quả cao hơn trong việc thực hiện các chức năng lập qui và vận hành đối với mọi vấn đề liên quan tới giới.

Đại sứ cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ cách tiếp cận về “Một Liên hợp quốc,” nhất là trong bối cảnh số lượng các quốc gia tự nguyện áp dụng cách tiếp cận này tăng lên trong thời gian qua, thu hút sự chú ý của cả các nhà tài trợ và các nước tiếp nhận viện trợ; cần đảm bảo số lượng và chất lượng tài trợ cũng như khả năng dự báo nguồn tài trợ và đồng thời cải tiến công tác giám sát và báo cáo về tài trợ, kể cả xu hướng tài trợ.

Đại sứ tin tưởng với sự tham gia cởi mở, minh bạch và trên tinh thần xây dựng của mọi quốc gia thành viên, một nghị quyết đồng thuận về “Gắn kết toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc” sẽ được thông qua, giúp tăng cường sự phối hợp, gắn kết, hiệu quả và hiệu lực trong vận hành của toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc cũng như khả năng của thể chế đa phương lớn nhất thế giới này đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên.

Là một bộ phận cấu thành quan trọng trong nỗ lực chung nhằm cải cách Liên hợp quốc hướng tới tăng cường hiệu quả và hiệu lực hoạt động của toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc, từ nhiều năm qua, vấn đề “Gắn kết toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc” đã thu hút sự quan tâm của tất cả các nước thành viên cũng như cộng đồng quốc tế nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục