Việt Nam và những cơ hội đầu tư và kinh doanh bối cảnh hậu COVID-19

Hội thảo Khoa học quốc gia năm 2023 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản trị, vượt qua suy thoái, đầu tư cho giai đoạn tăng trưởng mới” đã thu hút sự tham gia của đông đảo diễn giả trong và ngoài nước.

Hội thảo thu hút sự tham của nhiều diễn giả trong và ngoài nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội thảo thu hút sự tham của nhiều diễn giả trong và ngoài nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cơ hội đầu tư và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh suy thoái hậu COVID-19 là chủ đề được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận sôi nổi tại Hội thảo Khoa học quốc gia năm 2023 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản trị, vượt qua suy thoái, đầu tư cho giai đoạn tăng trưởng mới”. Hội thảo do Đại học Phenikaa tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, những thực tế tiêu cực từ tác động suy thoái kinh tế được các chuyên gia chỉ ra như tình trạng lạm phát và giải pháp để chống lạm phát; nghiên cứu chính sách ứng phó lạm phạt của Mỹ từ sau đại dịch COVID-19 và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, vấn đề hạn chế dòng tiền cho người dân thắt chặt chi tiêu sau đại dịch…

Các chuyên gia cũng trình bày nghiên cứu đi sâu vào thực trạng của từng lĩnh vực và thảo luận giải pháp riêng phù hợp như nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến dòng tiền các doanh nghiệp thực phẩm tại Việt Nam; kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; thực trạng bất động sản Việt Nam trong bối cảnh suy thoái và đề xuất giải pháp tạo đà cho giai đoạn phát triển mới; lợi ích và rào cản trong quản trị tinh gọn chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng…

Nhiều tham luận nhận được sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia tham dự như vấn đề bền vững tài chính trong phát triển du lịch cộng đồng Tây Nguyên của do các diễn giả Dương Ngọc Lang và Hoàng Nam Hướng - Khoa Du lịch, Trường Đại học Yersin Đà Lạt; tham luận về nhân tố đẩy và kéo trong lựa chọn điểm đến du lịch tại Việt Nam hậu đại dịch COVID 19: Tiếp cận từ lý thuyết động cơ du lịch và hình ảnh điểm đến của tác giả Trần Thị Minh Hòa và Đào Trung Kiên - Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa; tham luận Nghiên cứu thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại một số mô hình du lịch nông nghiệp tại Thái Nguyên…

767d57f7bcb014ee4da1-7440.jpg
Các chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, vấn đề Việt Nam bắt đầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng được các chuyên gia đề cập. Tiến sỹ Đinh Thanh Nhàn - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Bình Dương cho biết Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.000 công ty đa quốc gia có công ty mẹ đặt tại quốc gia đồng thuận mức thuế tối thiểu toàn cầu, khoảng 90 công ty đa quốc gia đủ điều kiện về doanh thu. Theo bà Nhàn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, tác động đến doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài.

Đánh giá việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024 là một phản ứng nhanh của Việt Nam nhưng Tiến sỹ Đinh Thanh Nhàn cho rằng đến thời điểm này, dự thảo về nội địa hóa quy tắc chưa được ban hành, chưa có lộ trình cụ thể cho tiếp cận quy tắc có thể ảnh hưởng đến khiến khả năng thực thi quy định này.

Với sự tham gia sôi nổi từ các chuyên gia tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, hội thảo là cơ hội để các diễn giả trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, là cơ hội để các chuyên gia cùng thảo luận các bài toán kinh tế đặt ra cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin và hoạch định các chiến lược phát triển trong giai đoạn tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục