Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông - địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Thông tin trên được ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đưa ra tại “Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam-Trung Quốc (Sơn Đông)” diễn ra sáng 13/3 tại Hà Nội.
Hội nghị do Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú và Phó Tỉnh trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông Tống Quân Kế đồng chủ trì. Đây là hoạt động nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú cho biết Trung Quốc đã liên tục hơn 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trong năm 2023.
Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào tháng 10/2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 12/2023, Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới trong tương lai.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông - địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Vì vậy, với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Sơn Đông còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Cục trưởng Vũ Bá Phú dẫn chứng, Sơn Đông là địa phương có quy mô kinh tế và dân số lớn (GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc) là một thị trường đầy tiềm năng, đồng thời có vị trí địa lý ưu việt, mang tính kết nối toàn diện với khu vực phía Bắc của Trung Quốc và thế giới, có sự phát triển nổi bật với những chiến lược trọng điểm như phát triển xanh, xây dựng địa phương mạnh về kinh tế biển...
Việt Nam là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN theo cả hai hướng đường bộ và đường biển, có lợi thế cạnh tranh nổi bật, hội tụ các điều kiện trở thành điểm đến đầy lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn FDI thế hệ mới, đồng thời cũng là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Để khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, người đứng đầu Cục Xúc tiến thương mại đề nghị Chính quyền tỉnh Sơn Đông quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại được tổ chức tại các địa phương. Qua đó, mở rộng hơn nữa quy mô đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chất lượng cao, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm trái cây, thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, hàng dệt may của Việt Nam cũng như các mặt hàng máy móc cơ khí, điện tử, sản phẩm hóa chất… của Sơn Đông.
Cùng với đó, ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dệt may, năng lượng mới, xe điện, cơ khí, điện tử mà Sơn Đông có ưu thế, qua đó giúp nâng cao năng lực cho Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tại các hệ thống phân phối lớn tại Sơn Đông.
Về phía các doanh nghiệp hai bên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.
Cùng với đó, cần tích cực tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước, điển hình như Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo (dự kiến tổ chức vào tháng 4/2024), Triển lãm quốc tế chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (tháng 6) và Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam - Vietnam Food Expo (tháng 11)… để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.
Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như của Sơn Đông để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
“Chúng tôi cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại thị trường Việt Nam” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Về phía Trung Quốc, ông Tống Quân Kế, Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, bày tỏ sự cảm kích đối với Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại về sự đón tiếp chu đáo, tích cực, trọng thị dành cho các phái đoàn, cùng công tác tổ chức hội nghị rất thành công.
Ông Tống Quân Kế cho biết Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện, có chung lý tưởng, cùng chế độ chính trị và con đường phát triển giống nhau. Tương lai chung của hai Đảng, hai đất nước và hai dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau bởi cùng một hệ thống xã hội và mục tiêu phát triển.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung Quốc và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và kế hoạch “Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế."
Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông khẳng định hai nước là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau, có lợi thế về vị trí rõ ràng, đồng thời các ngành công nghiệp có tính bổ trợ lẫn nhau, tiềm năng hợp tác là rất lớn. Trên cơ sở đó, tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại là một phần quan trọng trong việc làm sâu sắc và nâng cao hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa việc làm sâu sắc và củng cố quan hệ song phương.
Trong khi đó, Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông cho rằng là một tỉnh có dân số và kinh tế lớn phía Bắc Trung Quốc, Sơn Đông có nền tảng vững chắc và thế mạnh về nông nghiệp, sản xuất, có sự bổ sung công nghiệp mạnh mẽ với Việt Nam. Dựa trên không gian hợp tác rộng rãi, hai bên đã thường xuyên trao đổi trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, các thành phố kết nghĩa và các khu vực khác.
Tháng 6/2023, Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông đã tổ chức hơn 100 doanh nghiệp sang Việt Nam đàm phán, xúc tiến và nhận được phản hồi rất tốt, chưa đầy một năm sau lại tổ chức thêm một phái đoàn kinh tế thương mại quy mô lớn sang thăm Việt Nam, cùng bắt tay tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại với Bộ Công Thương.
"Điều này thể hiện quyết tâm của Sơn Đông trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Sơn Đông và Việt Nam. Đồng thời mang đến cơ hội và nền tảng hiếm có cho các doanh nghiệp hai bên giao lưu và hợp tác” - Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông nhận định.
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, hội nghị là cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung, trong bối cảnh quốc gia này đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường của họ./.
Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc
Các hoạt động kết nghĩa, thỏa thuận hữu nghị hai cụm, xóm dân cư và một thị trấn đã tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam-Trung Quốc, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội.