Thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và tại các đơn vị trụ sở chính, Vietcombank vừa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Khối Vận hành tại trụ sở chính; quyết định nhân sự lãnh đạo Phòng Quản lý chất lượng và quyết định nhân sự lãnh đạo Nhóm nghiên cứu trụ sở chính.
Tại buổi lễ, ông Hồng Quang - thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Khối Nhân sự Vietcombank đã công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc thành lập Khối Vận hành. Theo đó, tại quyết định số 1838/QĐ-VCB-TCNS ngày 21/6/2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ký quyết định thành lập Khối Vận hành tại trụ sở chính Vietcombank và thành lập Phòng Quản lý chất lượng trụ sở chính thuộc Khối Vận hành trên cơ sở nâng cấp từ Phòng Quản lý chất lượng dịch vụ bán lẻ trực thuộc Trung tâm Quản lý Vận hành bán lẻ. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7.
[Vietcombank lọt tốp 1.000 doanh nghiệp lớn nhất trên toàn cầu]
Khối Vận hành có cơ cấu tổ chức gồm Giám đốc khối, các Phó giám đốc khối và 6 đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm hỗ trợ khách hàng, Trung tâm tài trợ thương mại, Trung tâm thanh toán, Trung tâm quản lý vận hành bán lẻ, Trung tâm dịch vụ khách hàng và Phòng quản lý chất lượng.
Cũng tại buổi lễ, Hội đồng quản trị Vietcombank bổ nhiệm bà Thái Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý vận hành bán lẻ kiêm Trưởng phòng Quản lý chất lượng dịch vụ bán lẻ thuộc Trung tâm Quản lý vận hành bán lẻ giữ chức vụ Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng trụ sở chính và giao nhiệm vụ phụ trách phòng Quản lý chất lượng kể từ ngày 1/7.
Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng đã ký quyết định tuyển dụng ông Nguyễn Thắng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế và xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào làm chuyên gia tại Ban Chiến lược, Tuyên giáo và Thư ký tổng hợp kể từ ngày 1/7.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử, Vietcombank có Khối vận hành với 6 đơn vị trực thuộc. Đây là quyết định quan trọng được cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo thông lệ quốc tế, kinh nghiệm các ngân hàng đi trước, tham vấn các tổ chức quốc tế uy tín, giàu kinh nghiệm để lựa chọn một mô hình tối ưu, phù hợp với đặc thù của Vietcombank. Việc thành lập Khối vận hành là cần thiết và tất yếu để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ nội bộ và hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch Phạm Quang Dũng cũng yêu cầu Khối vận hành trong thời gian tới tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu rà soát mô hình, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình, quy chế để tinh chỉnh, tối ưu hóa, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ cho toàn hệ thống; đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các mô hình định lượng để theo dõi, giám sát, quản lý chất lượng dịch vụ; tự động hóa công tác vận hành; tối ưu hóa quy trình sử dụng các phương pháp tiên tiến; nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, qua đó giải phóng nguồn lực tại trụ sở chính và chi nhánh để tập trung cho công tác bán hàng; nâng cao chất lượng dịch vụ toàn hệ thống và chủ động và tích cực nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Ban lãnh đạo các giải pháp để bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số, trước hết là cho Khối vận hành.
Với việc thành lập Khối vận hành và kiện toàn mô hình tổ chức của Khối cùng các nhiệm vụ trọng tâm rõ ràng của từng mảng hoạt động, Vietcombank đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược và tầm nhìn đã xác định tới năm 2030 là trở thành trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của Việt Nam./.