Ngoài áp dụng các biện pháp tức thời để cắt giảm lỗ và duy trì dòng tiền trước tác động sâu rộng của dịch COVID-19, Vietnam Airlines kỳ vọng sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ về vay vốn cũng như tăng vốn sở hữu sẽ giúp hãng vượt qua khó khăn và nỗ lực tìm ra những cơ hội, hướng đi mới.
Dịch bệnh bẻ gẫy đà phục hồi
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 Vietnam Airlines vào sáng 10/8, đánh giá dịch COVID-19 tác động còn lớn hơn cả chiến tranh thế giới thứ 2, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận Chính phủ các quốc gia đều phải có biện pháp giống nhau là cách ly xã hội, hạn chế đi lại. Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 1/4 đến 15/4, bầu trời Việt Nam mỗi ngày chỉ có 3 chuyến bay, đây là lịch sử với ngành hàng không ngay cả trong thời điểm chiến tranh.
Theo ông Thành, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất vì tiềm ẩn khó khăn do bị cạnh tranh của hàng không giá rẻ (LCC) và hạ tầng yếu về sân bay. Khi dịch COVID-19 xảy ra, hãng nào càng lớn, chi phí cố định cao sẽ càng tổn hại.
“Theo dự báo của Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (IATA), các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó Vietnam Airlines là 2 tỷ USD, còn lại là các hãng hàng không khác,” ông Thành tiết lộ con số.
Khẳng định Việt Nam có lợi thế thị trường nội địa lớn nên phục hồi nhanh hơn các nước trong khu vực, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra dẫn chứng giai đoạn từ tháng Năm đến hết ngày 28/7, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi 90%, đây là mức cao nhất trên thế giới nếu so với Trung Quốc chỉ phục hồi 60%, Nhật Bản là khoảng 70%.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, Vietnam Airlines đã xác định thị trường nội địa quý 4/2020 sẽ phục hồi giống như 2019. Thế nhưng, làn sóng dịch thứ 2 lại đến và thời điểm khi nào mới phục hồi được hoàn toàn thì vẫn chưa thể trả lời, bởi liên quan đến vắcxin COVID-19 và khả năng phòng chống dịch ở trong nước.
[Các hãng bay đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn]
Đơn cử, thứ Bảy vừa qua (ngày 8/8), Vietnam Airlines chỉ bay 102 chuyến, giảm hơn 5 lần so với thời điểm phục hồi (hơn 500 chuyến bay mỗi ngày), chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2019.
Vị Tổng giám đốc của Vietnam Airlines cũng cho hay hãng đang dư thừa khoảng 72% năng lực khai thác, bao gồm phi công, tiếp viên và máy bay. Số máy bay không thể khai thác không còn phương án nào là "nằm sân".
Lãnh đạo hãng bay này cũng cho biết với những hợp đồng thuê máy bay đã ký kết, doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán trì hoãn hoặc hủy những hợp đồng thuê không cần thiết.
Đề cập đến thị trường quốc tế, theo ông Thành, IATA dự kiến thị trường hàng không toàn cầu phải đến năm 2024 mới phục hồi. Vietnam Airlines đánh giá sang 2022, thị trường quốc tế phục hồi nhưng hiện nay dự kiến sẽ xa hơn mốc này,” ông Thành buồn bã nói.
Đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian qua, ông Thành cho biết Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu đội tàu bay; đẩy mạnh vận tải hàng hóa hàng không; tạo ra sản phẩm giá thành thấp đủ sức cạnh tranh khi Tổng công ty có chuỗi đồng bộ về sửa chữa bảo dưỡng máy bay, phục vụ mặt đất, xăng dầu, suất ăn… mang lại giá trị lớn; tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Sẽ được Nhà nước “bơm vốn”
Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho hay, cuối năm 2019 hãng có lượng tiền dữ trự khoảng 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các kế hoạch trả nợ vay ngắn và dài hạn.
“Dự báo, cuối tháng Tám, Vietnam Airlines sẽ cạn kiệt dòng tiền nếu không có hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước. Tại thời điểm 10/8, tình hình dòng tiền của doanh nghiệp khả quan hơn so với dự kiến nhờ doanh thu tốt vào tháng Sáu và Bảy, khi thị trường nội địa phục hồi đã giúp hãng bổ sung được dòng tiền tích cực khoảng 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch tái bùng phát, giai đoạn tháng Tám lại ghi nhận nguồn thu thấp hơn so với kỳ vọng cũng như các tháng tiếp theo sẽ khó khăn hơn so với dự kiến," ông Hiền cho biết.
Nhấn mạnh sự phụ thuộc vào con số lỗ do dịch COVID-19, ông Hiền cho rằng cuối năm 2019, tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,6 lần nhưng dự kiến tới cuối năm sẽ dao động khoảng 12-14 lần. Những năm tới, tùy theo đà phục hồi, Vietnam Airlines có thể có lợi nhuận nhưng dòng tiền này dành để bù lỗ lũy kế phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, sau đó mới bù lợi nhuận cho cổ đông.
[Cần trao ''kiếm lệnh'' để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines]
Khẳng định Chính phủ các nước đều tung gói “giải cứu” cho các hãng hàng không, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết đến nay, Chính phủ đang chỉ đạo hãng và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để trình cấp cao hơn thông qua về phương án hỗ trợ cho vay 4.000 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh toàn cầu, tương lai nền kinh tế và hàng không luôn bất định, ông Minh quả quyết Vietnam Airlines sẽ chủ động cập nhật tình hình, xây dựng phương án ít xấu nhất để ứng xử và sẵn sàng cho tất cả các giải pháp, không chỉ riêng thị phần toàn cầu mà còn với các thị trường nhỏ nhất (các đường bay ngách, mở thêm đường bay mới) nhằm duy trì tỷ lệ hơn 50% thị phần nội địa thời gian vừa qua./.
Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến trình kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2020, khách tổng thị trường nội địa đạt 34,95 triệu lượt, thấp hơn 20% so với cùng kỳ. Hãng dự kiến sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia; bắt đầu khai thác trở lại các đường bay khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ đầu tháng Mười với tần suất hạn chế từ 3-5 chuyến/tuần và bắt đầu dần ổn định khai thác từ tháng 12. |