VietNam Design Week tạo ra giá trị khác biệt cho cộng đồng thiết kế

Tham gia "sân chơi" VietNam Design Week, cộng đồng thiết kế đã có niềm tin với cuộc thi và có sự tự hào đáng kể khi những tác phẩm được giải đều được ứng dụng hoặc có những đề xuất hay.
Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm sẽ được trưng bày tại VietNam Design Week 2023. (Nguồn ảnh: BTC)
Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm sẽ được trưng bày tại VietNam Design Week 2023. (Nguồn ảnh: BTC)

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam trên các lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông, Thiết kế Đồ nội thất, Thiết kế Vật dụng trang trí, Thiết kế Trang phục, Thiết kế công cộng sẽ diễn ra từ ngày 23-29/9, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội với nhiều hoạt động đa dạng.

Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, đại diện đơn vị đồng chủ trì sự kiện đã trao đổi bên lề về chuỗi hoạt động của sự kiện.

- Sự kiện thường niên VietNam Design Week năm nay sẽ có dấu ấn gì khác so với 3 mùa tổ chức trước, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Phương: VietNam Design Week mùa thứ tư sẽ bao gồm chuỗi hoạt động đa dạng: Cuộc thi thiết kế Designed by VietNam, Giải thưởng Thiết kế của Năm - Design of the Year, Hội chợ thiết kế Design Fair VietNam, triển lãm, hội thảo, workshops...

[Vietnam Design Week 2023: Nơi kết nối “Thiết kế từ những hạn chế”]

Trong đó, lần đầu tiên giải thưởng Thiết kế của Năm được tổ chức nhằm tôn vinh những thiết kế sản phẩm tốt nhất tại Việt Nam. Hội chợ thiết kế Design Fair VietNam sẽ diễn ra tại Vườn Giám cùng không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc thu hút gần 50 đơn vị thiết kế/sản xuất trong nước, quốc tế với hơn 100 gian hàng ở các lĩnh vực: Thời trang, truyền thông, đồ nội ngoại thất, vật dụng và trang trí, thủ công mỹ nghệ…

VietNam Design Week tạo ra giá trị khác biệt cho cộng đồng thiết kế ảnh 1Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế,” cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư đã nhận được 150 tác phẩm dự thi, từ đó Hội đồng chuyên môn lựa chọn 31 thiết kế để hoàn thiện vào chung kết và triển lãm, trong đó nổi bật có 10 thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm.

- Là sự kiện thường niên về lĩnh vực thiết kế sáng tạo, bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của VietNam Design Week cũng như những đóng góp của các thiết kế vào đời sống thực tế?

Bà Nguyễn Thị Thu Phương: Chuỗi hoạt động của VietNam Design Week nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng, công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam nói chung đồng thời nâng cao giá trị của các sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2019, Hà Nội được lựa chọn là thành phố thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (viết tắt là UCCN). Lựa chọn của Hà Nội là sẽ sử dụng các giải pháp về thiết kế sáng tạo mang tính bao trùm chứ không phải riêng một ngành nào.

Khả năng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế có khả năng kết nối các ngành còn lại để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hay những không gian mang tính sáng tạo nhằm đáp ứng các mục tiêu về phát triển bền vững.

VietNam Design Week tạo ra giá trị khác biệt cho cộng đồng thiết kế ảnh 2Một thiết kế sáng tạo lĩnh vực nội thất. (Nguồn ảnh: BTC)

Bền vững từ môi trường đến rút ngắn khoảng cách về văn hóa, tạo ra hệ sinh thái cho giới trẻ có thể dùng sức sáng tạo chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống là các di sản vật thể, phi vật thể với ứng dụng của khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm mới vừa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người dân Hà Nội vừa đáp ứng nhu cầu kết nối với các địa phương khác và kết nối quốc tế.

Hà Nội đã đưa ra 6 giải pháp mang tính địa phương và mang tính quốc tế nhằm ứng dụng thiết kế sáng tạo vào trong việc phát triển thành phố, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa như là một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Đây là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung, vì thiết kế là một trong 12 ngành của công nghiệp văn hóa, phù hợp với thế mạnh của Hà Nội. Điều đáng mừng đó là sự kiện VietNam Design Week 2023 đã tạo ra một sân chơi sáng tạo cho cộng đồng, đặc biệt là dành cho giới trẻ Thủ đô.

- Bà đánh giá “sân chơi” này đã mang lại giá trị gì khác biệt cho cộng đồng thiết kế trong nước?

Bà Nguyễn Thị Thu Phương: Từ năm 2019 tới nay, các cuộc thi trong chương trình đã tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh, đẹp và có tính kết nối. Thông qua quá trình hoạt động sáng tạo nghiêm túc của mình, VietNam Design Week có được sự chung tay của chính quyền của thành phố Hà Nội và cao hơn là sự đồng hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách chủ trì; có sự phối hợp của các nhà đầu tư cũng như các trường đại học. Đặc biệt, sự kiện đã tạo ra một sân chơi mà ai cũng mong muốn tham gia và có thể chơi được.

VietNam Design Week tạo ra giá trị khác biệt cho cộng đồng thiết kế ảnh 3Thiết kế sáng tạo lĩnh vực truyền thông. (Nguồn ảnh: BTC)

VietNam Design Week đã diễn ra tới nay là mùa thứ tư, càng những mùa sau càng hấp dẫn, mới mẻ và càng thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia. Tôi đánh giá cộng đồng thiết kế đã có niềm tin tham gia vào cuộc thi này và có sự tự hào. Đặc biệt, những tác phẩm được giải đều được ứng dụng hoặc có những đề xuất rất hay và cụ thể như “Hà Nội đẹp từng cm,” những dự án liên quan đến nhà vệ sinh cho Hà Nội…

Những sáng tạo này giàu thực tế, đậm tính thiết kế, vừa đảm bảo được công năng sử dụng nhưng vẫn hài hòa với môi trường. Nói cách khác, những thiết kế sáng tạo vừa đẹp, vừa thân thiện lại vừa có công năng và sức lan tỏa.

Đặc biệt, với những thiết kế được chọn để kết nối quốc tế như dự án “Đó và Đây,” chúng tôi giúp kết nối tới các đơn vị của Australia, với mục tiêu các thiết kế Việt Nam sống trong đời sống Hà Nội sẽ được lan tỏa không chỉ ra các địa phương trên cả nước mà còn lan tỏa ra thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục