VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng

Ngày 20/3, Báo Điện tử VietnamPlus đã tổ chức chuyến viếng thăm đền thờ Bác tại nơi “núi tổ trời Nam, đất Việt” nhằm hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
VietnamPlus chụp ảnh kỷ niệm tại núi Tản Viên, Ba Vì. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
VietnamPlus chụp ảnh kỷ niệm tại núi Tản Viên, Ba Vì. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong không khí chào mừng dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021), tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có chuyến đi ''Về Nguồn'' tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Vua thuộc dãy Tản Viên, Ba Vì.

Đây là một hoạt động thiết thực để nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tri ân các anh hùng lịch sử và thêm trân trọng, tự hào về nền độc lập, tự do mà chúng ta đang có.

Báo Điện tử VietnamPlus chọn Ba Vì, nơi được coi là “núi tổ của trời Nam, đất Việt” là nơi ''Về Nguồn'' để dâng hương lên Bác - vị Cha già dân tộc, cũng chính là người cùng Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh ra Đoàn Thanh niên Cộng sản ngày nay.

Linh thiêng nơi núi tổ Ba Vì

Về thăm đền thờ Bác dưới tiết trời lắc rắc mưa phùn, mây dăng kín và không khí ẩm đặc trưng của tháng Ba, "đội quân áo đỏ" của Báo Điện tử VietnamPlus đã đi qua 12km đường núi Ba Vì và 1.199 bậc thang (tương đương khoảng 1,2km) để lên với đỉnh Vua thuộc ngọn núi Tản Viên thiêng liêng, lịch sử, nơi có Đền thờ Bác.

Núi Ba Vì là nơi núi thiêng gắn với huyền thoại về Thánh Tản Viên Sơn hay còn được biết là Sơn Tinh (truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh). Theo tín ngưỡng của người Việt, trong số bốn hình tượng mà nhân dân tôn làm Tứ Bất Tử, Thánh Tản Viên Sơn tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt Nam.

Huyện Ba Vì cũng là nơi có khu di tích K9 Đá chông - căn cứ chiến lược gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi xây dựng năm 1959. Sau khi qua đời, thi hài Bác được giữ tại đây cho đến năm 1975 mới đưa về Quảng trường Ba Đình như ngày nay.

Mặc cho đường ướt có phần trơn trượt, ai nấy đều tập trung vượt qua từng bậc đá một cách nhanh nhất với tâm niệm sẽ sớm được vào viếng Bác tại ngôi đền thờ trên đỉnh núi thiêng. Càng lên gần đến nơi, trời càng lúc càng quang đãng, cả đoàn được tiếp đón bởi người “thủ từ” - đồng chí Tô Văn Nam, Phó trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1100, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì.

Trong 12 năm công tác, anh đóng vai trò như người hướng dẫn viên và cùng các anh em trong ban quản lý trông coi khu rừng, ngôi đền. Hàng ngày anh thuyết trình, giới thiệu về ngôi đền cho các đoàn khách thập phương từ trong lẫn ngoài nước, các đoàn lãnh đạo đảng, nhà nước...

Dẫn đầu đoàn viếng là Tổng Biên tập, Nhà báo Trần Tiến Duẩn cùng tập thể lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus đã thành kính dâng hương lên Bác, cầu cho quốc thái dân an, đất nước ngày càng phát triển.

VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 1Tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương trước ban thờ Bác. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+).

Theo lời giới thiệu của anh Tô Văn Nam, đền thờ Bác được khởi công xây dựng từ ngày 1/3/1999 trên ngọn núi Ba Vì theo thiết kế của kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng. Công trình mất 6 tháng để hoàn thành, khánh thành ngày 31/8/1999 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Mão), đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày mất của Bác (theo ngày Âm lịch). Đáng chú ý, đền thờ Bác được xây hoàn toàn bằng sức người.

Ngôi đền được xây theo kiến trúc xà cột với hai tầng và tám mái cong, tổng diện tích  là 150m2. Bao xung quanh tường của đền là những bệ ngồi bằng gỗ để nhân dân đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi, thể theo đúng nguyện vọng giản dị của Người trước lúc ra đi.

Tượng Bác được đúc từ đồng đỏ nguyên chất, theo tỷ lệ 1:1 đúng với vóc dáng của Người khi còn sống, phỏng theo bức hình rất có hồn của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp khi Bác nở nụ cười hiền.

Đặc biệt, theo lời kể của anh Tô Văn Nam, bức tượng của Bác nặng gần một tấn nhưng đã được hơn 100 chiến sỹ công binh Vườn Quốc gia Ba Vì cùng các cán bộ, người dân, khách thập phương, hô khẩu hiệu để cùng đưa lên đền chỉ trong một ngày - đảm bảo tượng Bác không phải chịu một đêm nào ngoài thiên nhiên với mưa gió, thú rừng...

Phía trên bức tượng ghi lẽ sống, mục tiêu mà Bác theo đuổi cả đời “Không có gì quý hơn độc lập tự do.”

Đối xứng với bức tượng là một phiến đá xanh nguyên khối nặng hai tấn, đứng vững như bức bình phong che chắn cho ngôi đền. Trên phiến đá, mặt quay vào tượng khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía ngoài khắc trích đoạn điếu văn của Ban Chấp hành Trung Ương trong lễ truy điệu bác năm 1969. Được biết, phiến đá này đã được 100 chiến sĩ công binh dùng phương pháp đẩy bằng tời để đưa từ mặt đất lên tới đền trong vòng 13 ngày...

"Khi Ban Quản lý mở một phần thu âm Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, không khí của lễ dâng hương lắng lại và bồi hồi. Tiếng Người như vang vọng giữa không gian núi rừng thiêng liêng, đưa tất cả chúng tôi-những người đang có mặt tại đây, như được trở lại thời khắc hào hùng của ngày 2/9/1945 giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử," Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn xúc động nói.

Những kỷ niệm đầy xúc động

Ba Vì cứ hết ba tháng Hè lại đến chín tháng Đông, nhưng dù vào mùa nắng khô hay ẩm ướt, hàng năm, luôn có tới hàng trăm ngàn người đổ về Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên núi Tản Viên để bày tỏ lòng thành kính với một nhân cách lớn, vĩ đại đã hy sinh cả đời vì đất nước Việt Nam.

Vào những khi cao điểm, đồng chí Tô Văn Nam cho biết anh vinh dự được tiếp nhiều đoàn khách cùng lúc, có những cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong chớp nhoáng. Thế nhưng, anh không khỏi xúc động mạnh mẽ trước tình cảm sâu sắc mà mọi người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến những vị khách quốc tế dành cho vị Cha già của dân tộc Việt Nam.

VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 2Đồng chí Tô Văn Nam, Phó trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1100, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh bồi hồi kể: “Ở góc độ những chiến sĩ kiểm lâm canh giữ đền Bác và bảo vệ rừng, được thấy những người đồng bào, những người nước ngoài dành cho Bác tình cảm đặc biệt như thế, thực sự đây là điều đáng tự hào, trân trọng và đáng quý... Có lẽ phải trực tiếp tiếp xúc như chúng tôi mới cảm nhận được hết những tình cảm ấy.”

Anh nhớ lại câu chuyện về cụ bà đã gần trăm tuổi tự chống gậy vượt qua 1.199 bậc thang, hay vị khách châu Âu quyết đến viếng Bác chỉ một thời gian sau một cuộc đại phẫu…

Một vài năm về trước, anh Nam có cơ hội đón tiếp một cụ già 98 tuổi. Khi trò chuyện, anh vô cùng ngạc nhiên khi biết độ tuổi thật của cụ. Thế nhưng, trái ngược với thái độ của anh, cụ chỉ từ tốn chia sẻ một mong muốn giản dị: Được ít nhất một lần lên đây viếng Bác bởi không biết còn sống bao lâu nữa...

Hay câu chuyện về một vị khách là nhà nghiên cứu lịch sử người Thụy Điển, khi đến đền viếng Bác còn mang theo một bức ảnh chân dung của Người kèm cuốn “Di chúc Hồ Chí Minh.” Qua lời người phiên dịch, anh Nam mới biết vị khách này vừa trải qua một cuộc phẫu thuật gan nhưng ngay khi có chuyến du lịch tới Việt Nam, ông quyết tâm lên núi viếng thăm nơi này.

Qua những lời của người phiên dịch, điều anh Nam nhớ nhất là sự kính trọng mà vị khách phương xa dành cho Bác - nói rằng: “Ông ấy rất yêu mến Bác Hồ.” Đó là sự tôn trọng, ngưỡng mộ chân thành của một người ngoại quốc dành cho một Danh nhân Thế giới.

Đến viếng Bác những ngày tháng Ba, tập thể cán bộ và viên chức Báo Điện tử VietnamPlus thật xúc động, trân trọng và tự hào về tấm gương bình dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cảm nhận được sự thành kính của mỗi người khi đến thăm Đền thờ Bác, càng thấy thêm kính yêu người Cha già vĩ đại của dân tộc.

"Chuyến về nguồn lần này cũng là dịp để cán bộ, viên chức Báo Điện tử hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, tấm gương của Bác, nỗ lực 'làm theo' Bác từ những công việc nhỏ nhất, góp phần nhỏ bé xây dựng và phát triển Báo Điện tử VietnamPlus nói riêng và TTXVN nói chung,” Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn chia sẻ./.

VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 3Đường lên đền thờ Bác băng qua rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 4Tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương trước ban thờ Bác. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 5Tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương trước ban thờ Bác. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 6Đoạn trích từ điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tạc trên tấm bia đá được đặt đối xứng với tượng Bác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
VietnamPlus 'Về Nguồn' viếng Bác trên đỉnh núi Ba Vì linh thiêng ảnh 7Anh Tô Văn Nam thuyết trình về Đền thờ Bác. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục