“Cháu có thể đi xe bác không, máy báo bao nhiêu tiền, bác lấy rẻ hơn” – một người lái xe ôm già đứng bên vệ đường, năn nỉ cô gái đang chuẩn bị đặt xe trên ứng dụng gọi xe công nghệ.
Ông hầu như không thể kiếm được khách nữa khi loại hình “tài xế công nghệ” phát triển như vũ bão, mà cũng không đủ tiền mua một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) để gia nhập mạng lưới ấy.
Đó là hình ảnh không xa lạ 3-5 năm trước, khi làn sóng “nền tảng hoá” ập vào Việt Nam, rất đông những người không có smartphone đã bị “gạt” ra khỏi thị trường lao động.
Qua thời gian, công nghệ và phương tiện thiết yếu đi cùng là những chiếc smartphone càng khẳng định sức mạnh trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Khi đại dịch COVID-19 nổ ra, con người không thể làm việc, học tập trực tuyến nếu không có thiết bị này.
Sự phát triển của thiết bị gắn liền với sự phát triển của các thế hệ công nghệ di động. Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình tắt sóng 2G, 3G để nhường tài nguyên viễn thông cho các công nghệ mới 4G, 5G. Nhưng cũng vì vậy, những chiếc điện thoại "cục gạch" chỉ để nghe-gọi sẽ không còn hoạt động.
Bài toán cho 10 triệu máy smartphone
Ông Cao Anh Sơn - Tổng giám đốc Viettel Telecom chia sẻ việc chuyển dịch từ 2G lên 4G là việc mà các nhà mạng cùng phải làm với thời hạn là như nhau, nhưng Viettel gặp khó khăn hơn bởi có nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các khách hàng ở khu vực này chiếm 70% lượng máy điện thoại 2G có trên thị trường.
Được biết, hồi đầu năm 2024, Viettel có gần 10 triệu khách hàng sử dụng điện thoại 2G. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đến 500.000 khách hàng. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10/2024 – thời điểm tắt sóng 2G.
10 triệu thiết bị chuyển đổi, tương đương với 10% dân số Việt Nam năm 2024. Tính đến thời điểm 15/10, Viettel phải thực hiện chuyển đổi trung bình gần 1 triệu chiếc/tháng, hơn 30.000 chiếc/ngày. Khối lượng công việc cực lớn tạo nên một bài toán rất thách thức, nhất là khi khách hàng là những cư dân tại vùng núi, hải đảo.
Để làm được điều đó, Viettel đã nhập hàng triệu máy 4G để sẵn sàng cung cấp cho khách hàng. Trong đó có các dòng điện thoại 4G giá rẻ chỉ từ 390.000 - 490.000 đồng/máy (dùng cho dịch vụ thoại, nhắn tin).
Viettel cũng đã “phủ” các điểm chuyển đổi máy đến từng thôn, từng xã. Hơn 10.000 địa điểm chuyển đổi máy miễn phí được tổ chức ở các vùng hẻo lánh. Như thế, các khách hàng có thể chuyển đổi máy một cách tiện lợi, được tư vấn tận tình mà không phải đi đến những điểm mua, bán máy 4G ở nơi xa hơn.
Tại Hà Giang - một trong những tỉnh miền núi phía Bắc với gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số, việc tắt sóng 2G theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khiến cho nhiều bà con, người già, người có thu nhập thấp... lo lắng về việc gián đoạn liên lạc.
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G Only cuối cùng trước ngày tắt sóng
Từ 20/9, Viettel đã gấp rút triển khai hỗ trợ chuyển đổi miễn phí máy 4G cho 700.000 thuê bao cuối đang sử dụng máy 2G, với nguồn kinh phí lên tới 300 tỷ đồng.
Thấu hiểu tâm lý người dân, Viettel Hà Giang đã chủ động tăng cường các lịch bán hàng lưu động, tập trung chủ yếu vào các phiên chợ vùng cao, các xã có tỷ lệ thuê bao 2G cao. Đặc biệt hơn, các tư vấn viên của Viettel là người địa phương, nói được tiếng đồng bào, sẵn sàng hỗ trợ tại các điểm bán hàng, phục vụ và giải đáp mọi thắc mắc cho bà con.
Hàng loạt chính sách khuyến mại đã được triển khai để “bình ổn giá” như tặng data, tặng dịch vụ thoại 4G khi chuyển đổi, xem TV miễn phí trên app TV360, hỗ trợ kinh phí mua smartphone 4G, ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi…
Đặc biệt, những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách đổi máy miễn phí cho tặng kèm sim 4G.
Nằm trong diện các cá nhân được Viettel hỗ trợ điện thoại 4G, cụ Hoàng Thị Nga 78 tuổi tại thôn Nà Đát, xã Tân Nam, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Tôi sống một mình trong ngôi nhà đã cũ, trời mưa nước và gió lùa vào nhà, do cuộc sống khó khăn nên tôi không có tiền để mua điện thoại mới. Khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương thông báo tôi nằm trong diện được Viettel tặng điện thoại miễn phí để tiện liên lạc đến người thân, tôi rất ngạc nhiên và cảm động..."
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước khi tắt sóng
Từ 20/9 – 25/10, Viettel đã "chơi lớn" khi công bố hỗ trợ chuyển đổi điện thoại 4G miễn phí cho toàn bộ khách hàng đang dùng máy 2G còn lại, ưu tiên triển khai trước cho 10 tỉnh miền núi vùng Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão Yagi, lũ và thiên tai.
Đây được cho là hành động quyết liệt nhất của Viettel từ trước đến nay nhằm chuyển đổi những khách hàng cuối cùng sử dụng máy 2G lên máy 4G. Dự kiến sẽ có khoảng 700.000 khách hàng sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng ưu đãi này, tương đương nguồn kinh phí lên tới gần 300 tỷ đồng.
Sau 1 tuần triển khai, đã có hơn 200.000 thiết bị được gửi tới khách hàng, giảm số lượng thuê bao 2G còn lại xuống gần 500.000.
Các dòng máy hỗ trợ là điện thoại 4G đáp ứng nhu cầu nghe, gọi cơ bản. Máy có bàn phím, âm lượng to, hỗ trợ giọng đọc khi bấm số hoặc có thêm tính năng Cloud phone cho phép truy cập ứng dụng OTT. Tại 12.000 điểm đổi máy lưu động bố trí tại các thôn, bản, khu vực đông dân cư, Viettel phối hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng phổ cập kĩ năng số cho người dân.
Ngoài tiến hành tặng, giảm giá máy, các giải pháp khác đang được Viettel áp dụng đến từng thuê bao 2G còn lại, gồm: callbot gọi điện, nhắn tin về thời điểm dừng công nghệ và các ưu đãi khi chuyển lên 4G, phát nội dung truyền thông trước các cuộc gọi đi của thuê bao 2G; đồng thời tư vấn chuyển đổi khách hàng lên 4G trước lịch tắt sóng 2G, chăm sóc các khách hàng chuyển đổi mới.
Thực hiện theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã có những biện pháp quyết liệt để tăng tốc chuyển đổi. Ở giai đoạn cuối, riêng trong tháng 8, hơn 3 triệu máy 2G được đổi lên 4G thành công.
Trong một năm qua, Viettel tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G, lắp đặt hơn 6.000 trạm phát sóng vô tuyến 4G, đưa vùng phủ 4G đạt hơn 96%. Mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ đạt hơn 98% dân số./.