Trường học bán trú cho trẻ em nghèo Pa Kô, Vân Kiều, trạm y tế mới khang trang…tuy chỉ là những cơ sở vật chất nhỏ bé nhưng lại là niềm vui lớn của người dân huyện nghèo ĐăkRông.
Xã Tà Long huyện ĐăkRông tỉnh Quảng trị là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Pa Kô và Vân Kiều. Cả xã có 641 hộ thì gần một nửa là hộ nghèo. Bản xa nhất đến trung tâm xã phải mất 3 ngày đi bộ nên việc đến trường của các học sinh nơi đây rất khó khăn.
Do phải trèo đèo vượt sông, suối mới đến được trường nên khi mưa lũ nhiều em phải nghỉ học 5 - 7 ngày là bình thường. Tuy nhiên, đó là trước đây, giờ thì đã thay đổi.
Ông Hồ Văn Diên, Chủ tịch xã Tà Long nói: “Khó khăn vất vả đối với học sinh Pa Kô và Vân Kiều là chuyện của năm 2014 trở về trước. Năm 2014, Viettel hỗ trợ xây dựng trường bán trú 2 tầng khang trang với đầy đủ phòng ở, phòng học, phòng ăn, nhà để xe nên con em đồng bào PaKô và Vân Kiều đã yên tâm học tập.”
Thầy Phạm Đức Toàn, Hiệu trưởng trường THCS Tà Long cho biết: “Trường mới được xây dựng đi kèm với hỗ trợ khác của Chính phủ. Theo đó, học sinh con em người dân tộc được cấp tiêu chuẩn 15 kg gạo và 400.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Nhờ đó, những thầy cô trường Tà Long không còn phải lặn lội đến từng nhà học sinh bỏ học vì đói để vận động các em đến trường.”
Hồ Văn Quyết, học lớp 8 thôn Chài, xã Tà Long nhớ lại: “Khi chưa có ngôi trường mới, em phải trọ ở nhà dân. Mỗi tháng bố mẹ cho 200.000 đồng, thì tiền thuê nhà mất 100.000 đồng. Với số tiền ít ỏi còn lại Quyết luôn trong cảnh bữa no, bữa đói”.
Những ngày mưa lũ kéo dài, không về nhà xin tiền bố mẹ được Quyết chỉ ăn một gói mì tôm cho qua ngày. Đến mùa làm chổi đót, Quyết cùng các bạn đi bóc đót về bán lấy tiền đi học và mua mì tôm. Thế nhưng, gia đình quá khó khăn không đủ chu cấp tiền cho 5 anh em, Quyết phải bỏ học.
Giờ đây, không phải lo chỗ ăn chỗ ở, tỷ lệ học sinh ở xã Tà Long học hết cấp 1 trong năm 2015 là hơn 90%. Hiện trường có 147 học sinh được sinh hoạt học tập trong khu nội trú.
Hồ Văn Pẹ 13 tuổi nhà ở thôn Sa Ta, xã Tà Long cho biết: “Trước đây em phải phải thuê nhà dân mất 100.000 đồng tháng. Bữa no bữa đói là chuyện quen thuộc đối với em. Bây giờ, được ở trong ngôi nhà khang trang do Viettel xây dựng, Pẹ vui lắm. Mỗi tuần em về nhà 1 lần nhưng về nhà là lại muốn đến trường”.
Trên thực tế, việc xây trường cho các học sinh nghèo Pa Kô, Vân Kiều là một trong những chiến lược quan trọng giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Đối với họ, “gieo cái chữ” giúp trẻ em nghèo học hành tốt sẽ có tác dụng xóa đói giảm nghèo bền vững, lâu dài hơn là trợ cấp vật chất cho cuộc sống hàng ngày.
Ngoài xây trường, tập đoàn này còn tài trợ xây trạm y tế để nâng cao chất lượng sức khoẻ của người dân nơi đây. Trạm y tế được khởi công đầu tháng 2/2015 với hơn 10 phòng bệnh, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30A của Chính phủ giai đoạn 2009-2013, ông Hoàng Nam - Chủ tịch UBND huyện Đăk Rông cho biết, việc Viettel tổ chức đoàn công tác xuống tận địa bàn, khảo sát từng trường hợp hộ nghèo để có những hỗ trợ phù hợp theo hướng “chỉ trao cần câu, không cho con cá”, giúp cho hiệu quả xoá nghèo bền vững được đảm bảo.
Ông Hoàng Nam chia sẻ: “Người dân thoát nghèo bằng chính đôi tay và khối óc của mình sẽ là phần thưởng lớn mà tất cả chúng tôi đều mong muốn”./.