Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới

Theo thông tin của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 44,5 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới ảnh 1Lãnh đạo Vinatex họp thông báo kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh năm 2022. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Dù thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp bởi lực cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia... song xuất khẩu Dệt may Việt Nam trong năm 2022 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.

Đáng chú ý, xét về thị phần, xuất khẩu của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.

Ứng phó linh hoạt khi tổng cầu giảm

Thông tin tại cuộc họp thông báo kết quả sản xuất-kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tổ chức chiều 22/12, tại Hà Nội, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị dẫn thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, năm 2021 dệt may Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu may mặc thế giới, dù vươn lên đứng thứ 2 ở một năm trước đó.

Nguyên nhân là năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 11%, nhưng Bangladesh tăng gấp 3 lần ( tương ứng tăng 33%), còn các quốc gia khác đứng ở vị trí Top 4, Top 5 cũng đạt mức tăng trưởng trên 20% trong năm 2021 (như Ấn Độ, Pakistan).

"Theo báo cáo của WTO, thị phần của dệt may Việt Nam chiếm khoảng 5,7%, Bangladesk là 6,5%," ông Vương Đức Anh cho hay.

Nhìn lại năm 2022, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex đã chỉ ra những diễn biến khó lường của thị trường, khi đầu năm khởi sắc còn cuối năm đảo chiều khó khăn.

Theo đó, 8 tháng năm 2022 xuất khẩu dệt may tăng 20% so cùng kỳ, đến tháng 9 chỉ còn tăng 11%, nhưng tháng 10, 12 thì quay đầu giảm lần lượt 4% và 10% so cùng kỳ.

Phân tích thêm nguyên nhân, đại diện Vinatex cho hay, do nhu cầu tiêu thụ dệt may tại các thị trường lớn như  Mỹ, EU suy giảm do lạm phát cao và lãi suất tăng.

“Xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm mặc dù dự kiến đạt mức tăng 11% so năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng của quý 4/2022 đã chậm lại và tình hình khó khăn dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023,” ông Vương Đức Anh thông tin.

Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 đã đạt lợi nhuận 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Dù vậy, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu đi và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống.

Đặc biệt, trong những tháng đầu quý 4/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại.

“Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam với sự nỗ lực vượt bậc đã hoàn thành kết quả sản xuất-kinh doanh với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch,” đại diện Vinatex thông tin thêm.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay của ngành, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, để đạt được kết quả này là nhờ dệt may Việt Nam làm được nhiều đơn hàng nhỏ, nhiều mặt hàng, kỹ thuật khó.

Hơn nữa, việc làm được đơn hàng nhỏ khẳng định thế mạnh và Việt Nam có kỹ năng quản trị tốt và đây cũng là xu thế trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, cùng đó năng suất lao động trên đầu người tốt, do đó những điều này bù đi được thất thế về giá cao, nên khách hàng cũng tin tưởng ở dệt may Việt Nam.

Giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng

Báo cáo mới đây của McKinsey về bức tranh ngành thời trang năm 2023 chỉ ra 3 rủi ro chính đối với ngành thời trang năm 2023 gồm: lạm phát, bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Dệt may là ngành phản ứng khá nhạy với diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Từ nhận định trên, theo đại diện Vinatex, năm 2022 tổng cầu dệt may thế giới giảm từ 5-6% so năm 2021 (từ 802 tỷ USD xuống 763-757 tỷ USD, về mức giữa năm 2020 và 2021), còn trong năm 2023 mức giảm dao động từ 6-11% so năm 2022 (từ 763-757 tỷ USD xuống 716-678 tỷ USD).

Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10/2022. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn hẳn so với các tháng trước đó.

“Nhiệm vụ của doanh nghiệp là tìm ra giải pháp thích ứng trong điều kiện thị trường co hẹp, suy giảm nhu cầu và sẵn sàng nguồn lực khi nhu cầu quay trở lại. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của nhóm hàng may mặc sẽ chậm hơn các nhóm hàng khác như đồ ăn, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc tại nhà, sức khoẻ người tiêu dùng, đồ chơi …,” đại diện Vinatex cho hay.

- Tăng trưởng xuất khẩu dệt may những năm gần đây:

Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới ảnh 2

Để ứng phó với sự biến động của thị trường, xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản tốt, tức là hết quý 2/2023, kinh tế vĩ mô thế giới ổn định, xung đột chính trị kết thúc thì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 sẽ khoảng từ 4-5% so với năm 2022.

Ở kịch bản trung bình, tình hình xấu của quý 4/2022 kéo dài đến quý 3/2023 với nhiều yếu tố bất định hơn, chưa rõ ràng về giảm lạm phát, lãi suất vẫn tăng thì xuất khẩu dệt may sẽ duy trì nganh với năm 2022.

Còn ở kịch bản xấu, trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể thấp hơn khoảng 5% so với năm 2022.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may thông tin thêm, xác định rõ những khó khăn trước mắt giúp Vinatex bước đi một cách chủ động hơn, không còn hoang mang trước những “bất định” mà đã sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực.

"Thử thách lần này là cam go, con đường duy nhất là toàn bộ hệ thống trong Tập đoàn cần vững vàng, sáng suốt và quyết tâm cao để có thể đề ra và triển khai kế hoạch linh hoạt, điều chỉnh, nâng cấp với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường," ông Lê Tiến Trường nói.

Đảm bảo thu nhập cho người lao động

Liên quan tới chăm lo người lao động, theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người lao động sẽ không có tăng ca, làm thêm giờ mà giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần.

Chủ tịch Công đoàn ngành cho hay, tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,69 triệu/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.

"Điều này là do các đơn vị thành viên của Vinatex vẫn cố gắng duy trì chế độ lương thưởng cho người lao động trong trong Tết Nguyên đán 2023 nhằm duy trì và ổn định nguồn lao động," bà Tâm thông tin.

Hiện tại, 100% các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động, một số đơn vị lớn như: Hòa Thọ, Dệt May Huế, Hanosimex, Phong Phú… đều có chi thêm ít nhất từ 0,5-2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình sản xuất-kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới ảnh 3Dệt may áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với đó, từ ngày 10/12-10/1/2023, Vinatex và Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức 6 hội chợ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong chương trình “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân-Phiên chợ nghĩa tình xuân Quý Mão 2023” để bán các nhu yếu phẩm Tết cho người lao động thuộc các doanh nghiệp trực thuộc với giá ưu đãi với cá gian hàng đồng giá, gian hàng 0 đồng và các gian hàng giảm giá lên tới 40%.

"Điều này sẽ giúp người lao động có thể tiết kiệm từ 30-40% so với việc mua ngoài thị trường. Cùng với hoạt động này thì hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam dự kiến sẽ trao từ 5.000-7.000 phần quà Tết cho các đối tượng là người lao động khó khăn, gia đình chính sách," Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục