Tối 29/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Forbes Việt Nam đã tổ chức vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016.
Năm nay, các doanh nghiệp lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố gồm: Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty cổ phần Thế giới di động, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...
Tổng vốn hóa thị trường của 50 công ty này đạt 829.010 tỷ đồng, chiếm 64,14% giá trị vốn của hai sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cộng lại (tính đến 16/5/2016). Tổng doanh thu của 50 công ty đạt 47.546 tỷ USD, chiếm 37,77% tổng doanh thu thị trường; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53,08% tổng lợi nhuận của thị trường.
Đánh giá về danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố, bà Lê Thị Hoa, Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank, cho rằng những những đánh giá độc lập, khách quan theo phương pháp của Tạp chí Forbes Việt Nam đã phản ánh đúng chất lượng tài sản và giá trị doanh nghiệp niêm yết. Thông qua đó, góp phần mang lại giá trị thông tin cùng lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm nay là năm thứ 4 Tạp chí Forbes Việt Nam thực hiện công bố danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường Việt Nam, từ đó góp phần phản ánh những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam.
Điển hình, kết quả năm 2016 cho thấy các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển mạnh, ngành xây dựng và bất động sản tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, trong khi ở lĩnh vực dầu khí không có công ty nào lọt vào danh sách.
Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch công ty Truyền thông Tương Tác, đơn vị đại diện thương mại của Tạp chí Forbes Việt Nam, cho biết danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, được bình chọn dựa trên cơ sở xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết, được sắp xếp theo từng nhóm ngành. Những cổ phiếu đang thua lỗ, trong quá trình hủy niêm yết, quy mô quá nhỏ... đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách.
Mặt khác, Tạp chí Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp như thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững...
Cùng ngày, Tạp chí Forbes Việt Nam cũng tổ chức "Diễn đàn Kinh doanh Forbes Việt Nam 2016," với chủ đề “Vượt qua Thử thách,” tạo cầu nối cho đại diện Chính phủ và giới doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận những vấn đề quan trọng nhất đối với sức khỏe nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại diện của Chính phủ đã đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ về cơ hội kinh doanh, liên kết, kinh nghiệm quản trị, xây dựng thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực và trách nhiệm với xã hội và cộng đồng./.